Mỹ, NATO chưa thể xác nhận thông tin
Reuters ngày 19/10 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chưa thể xác nhận thông tin Triều Tiên đưa quân tới Nga. Tuy nhiên, lãnh đạo Lầu Năm Góc cho rằng một động thái như vậy rất đáng lo ngại nếu là sự thực.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng khẳng định vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sự hiện diện của Bình Nhưỡng tại chiến trường Ukraine tính tới thời điểm hiện tại.
"Vào thời điểm này, quan điểm chính thức của chúng tôi là: Chưa thể xác nhận thông tin tình báo từ phía Hàn Quốc về việc Triều Tiên triển khai quân ở quy mô lớn nhằm hỗ trợ Nga trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine".
"Nhưng điều này, tất nhiên, có thể thay đổi", ông Rutte nói thêm.
Theo ông Rutte, NATO vẫn đang "giữ liên lạc mật thiết" với các đồng minh, đặc biệt là Hàn Quốc. "Chúng tôi chắc chắn sẽ có cuộc đối thoại với họ để đưa tất cả bằng chứng ra bàn thảo", ông Rutte nhấn mạnh.
Trước đó, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn nguồn cơ quan tình báo nước này cho hay, Triều Tiên "đã quyết định đưa 4 lữ đoàn gồm 12.000 quân, gồm cả lực lượng đặc nhiệm" tới tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Các "bằng chứng" tính đến thời điểm này
Cơ quan tình báo Hàn Quốc đã công bố ảnh vệ tinh cho thấy Nga có hoạt động hải quân gần 1 cảng của Triều Tiên và động thái được cho là người Triều Tiên tập trung ở Ussuriysk, Khabarovsk thuộc Viễn Đông (Nga).
Tổng thống Triều Tiên Yoon Suk Yeol đã lập tức mở cuộc họp an ninh đột xuất với các quan chức tình báo, an ninh quốc gia và quân sự. Văn phòng của ông khẳng định, Triều Tiên đã chuyển từ cung cấp thiết bị quân sự sang triển khai binh lính thực tế.
Trong khi đó, Trung tâm An ninh Thông tin Liên lạc Chiến lược Ukraine (SPRAVDI) công bố 1 video cho thấy hình ảnh nhiều thanh niên đang nhận quân phục và tư trang. Những người này được cho là nói tiếng Triều Tiên nhưng chất lượng âm thanh trong video kém, khiến đoạn hội thoại của họ không được rõ ràng.
SPRAVDI cho rằng đây là các binh lính Triều Tiên hiện diện tại một khu vực huấn luyện ở miền Viễn Đông, Nga.
Một video khác lan truyền trên mạng xã hội đã được CNN định vị cho thấy hình ảnh các binh lính có mặt ở Trung tâm Huấn luyện Sergeevka nằm gần biên giới Nga với Trung Quốc. Trong đoạn video này, có thể nghe được giọng một người nói bằng tiếng Nga rằng: "Chúng ta không thể quay phim họ", "còn có thêm... còn có hàng triệu người nữa ở đây. Đây là lực lượng tăng cường mới. Đây chỉ mới là khởi đầu thôi. Còn nhiều hơn nữa".
Ngoài các video kể trên, CNN cũng thu thập được bản sao bảng câu hỏi với phần đề mục trên cùng được viết bằng tiếng Nga, còn nội dung bên dưới thì được viết bằng tiếng Triều Tiên. Theo đó, trước khi đến Nga, người Triều Tiên sẽ phải điền vào bảng câu hỏi, cung cấp các số đo của bản thân để lấy giày, mũ, quân phục...
CNN nhận định, nếu thông tin xác thực, thì đây là dấu hiệu rõ nét về mối quan hệ nồng ấm giữa Moscow và Bình Nhưỡng, đồng thời xác nhận thông tin trước đó của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc về khả năng 1.500 binh lính Triều Tiên được huấn luyện quân sự để tham gia vào chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Các dữ liệu được CNN coi là bằng chứng xác nhận mối lo ngại của Kiev rằng Triều Tiên đang chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò trực tiếp hơn trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần lên tiếng về mối quan hệ đồng minh ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Tại thượng đỉnh NATO hồi tuần này, ông Zelensky khẳng định "hàng nghìn" binh sĩ Triều Tiên đang lên đường tới Nga.
"Từ thông tin tình báo mà tôi có... họ đang chuẩn bị 1 vạn quân, nhiều lực lượng khác nhau, lực lượng trên bộ, và cả sĩ quan kỹ thuật", ông Zelensky nói với báo giới, mô tả đây là diễn biến "khẩn cấp" mà ông đã đề cập với Mỹ.
Nếu thông tin này được xác thực thì đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên có một động thái can thiệp rõ rệt vào một cuộc xung đột quốc tế.
Về phần mình, Nga và Triều Tiên đều lên tiếng phủ nhận cáo buộc Bình Nhưỡng đưa binh lính tới trợ giúp Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.