Riyadh muốn trả đũa nhưng lại mong Mỹ làm hộ: Chuyên gia Nga phản bác loạt "bằng chứng" kết tội Iran của Saudi

Hồng Anh |

Vũ khí "sản xuất tại Iran" không đồng nghĩa với "do Iran phóng", một nhà phân tích quân sự Nga khẳng định với hãng thông tấn RT.

Ả Rập Saudi muốn các đồng minh của mình tin rằng Iran chính là kẻ đứng sau các vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của nước này cuối tuần trước, tuy nhiên bằng chứng duy nhất họ có thể đưa ra là các loại vũ khí "Made in Iran" (sản xuất tại Iran), chứ không có bằng chứng nào khác cho thấy Iran đã tự mình thực hiện cuộc tấn công, một nhà phân tích quân sự người Nga bình luận.

"Sản xuất tại Iran" không đồng nghĩa với "do Iran phóng"

Khả năng các tên lửa đạn đạo "made in Iran" được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ Aramco của Ả Rập Saudi hôm 14/9 vừa qua không phải là điều gì quá bất ngờ, nhà phân tích quân sự Viktor Murakhovsky, đồng thời là Tổng biên tập của tờ Arsenal of the Fatherland (Nga), nói với RT.

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua (18/9), Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi đã trưng những mảnh vỡ thu thập được từ hiện trường vụ tấn công các cơ sở dầu mỏ tại Abqaiq và Khurais nhằm buộc tội Iran.

Tuy nhiên, theo ông Murakhovsky, những mảnh vỡ này đã được xác định không lâu sau khi vụ việc xảy ra. Iran đã phát triển các "tên lửa hành trình tầm xa" này dựa trên mẫu tên lửa Kh-55 của Xô viết mà nước này mua lại từ Ukraine vào đầu thập niên 2000, ông Murakhovsky nói.

"[Những mảnh vỡ tên lửa và UAV được Saudi trưng ra] không đủ chứng tỏ Tehran có liên quan tới vụ tấn công, và càng không đủ chứng tỏ rằng cuộc không kích [nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi] được khai hỏa từ lãnh thổ của Iran", nhà phân tích người Nga khẳn định.

Mặc dù lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhưng Riyadh ngày hôm qua vẫn khẳng định rằng đòn không kích không thể xuất phát từ lãnh thổ Yemen, và "không còn nghi ngờ gì nữa, Iran chính là kẻ đứng sau" vụ việc hôm 14/9. Một trong những lập luận của phía Bộ quốc phòng Ả Rập Saudi là phiến quân Houthi không có khả năng làm điều đó.

Ông Murakhovsky đã phản biện tuyên bố của Saudi như sau:

"Chuyện Iran cung cấp khí tài cho phiến quân Houthi ở Yemen không phải là điều bí mật, và rất có thể các tên lửa đạn đạo của Iran cũng nằm trong số đó. Nếu đúng là như vậy, thì các tên lửa đạn đạo này cũng không quá khó vận hành và Houthi hoàn toàn có thể tự sử dụng chúng [để tấn công Saudi] mà không cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia Iran".

Riyadh muốn trả đũa nhưng lại mong Mỹ làm hộ: Chuyên gia Nga phản bác loạt bằng chứng kết tội Iran của Saudi - Ảnh 2.

Mảnh vỡ tên lửa được Saudi thu thập tại hiện trường vụ tấn công hôm 14/9. Ảnh: Reuters

"Ông Trump hiểu rõ rằng tấn công Iran là ý tưởng tồi tệ"

Tuyên bố hôm 18/9 của Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi về cơ bản chỉ có ý nghĩa là "các loại vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công có thể đã được Iran cung cấp [cho phiến quân Houthi], cũng giống như Anh và nhiều quốc gia khác cung cấp vũ khí cho Ả Rập Saudi trong cuộc chiến đã kéo dài hơn 4 năm với Yemen", ông Matthew Gordon-Banks, cựu nghị sĩ Anh, nói với RT.

Tuy nhiên, bằng cách đưa ra những lời cáo buộc Tehran, Riyadh dường như đang mong chờ Mỹ thay họ "làm chuyện xấu xa" - đó là tiến hành không kích trả đũa Iran.

Tuy nhiên, Saudi sẽ khó đạt được mục tiêu ấy, vì Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rõ rằng "dù các cố vấn nói gì, thì tấn công Iran sẽ chỉ đem lại những hậu quả khôn lường tại vùng Vịnh nói riêng và trên trường quốc tế nói chung".

Iran là một quốc gia "mạnh mẽ, tự chủ, có lãnh thổ rộng lớn và một lực lượng quân đội mạnh", và điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ không dại gì hành động liều lĩnh trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, ông Aitech Bizhev, cựu Phó Tư lệnh Không quân Liên Xô, nhận định.

"Phần lớn những cử tri bầu cho ông Trump không muốn chiến tranh", ông Bizhev kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại