Tôi đã sai lầm khi dạy con bằng cách la hét, quát mắng
18 tháng tuổi, hai cô con gái song sinh của tôi là Chloe và Claire, đột ngột trở thành những đứa trẻ vô cùng bướng bỉnh.
Các con hét "không" với tôi, gào khóc tranh nhau xem ai là người được thay tã trước và từ chối ăn những bữa ăn hữu cơ được tôi và ông xã cẩn thận chế biến với vô vàn yêu thương. Và tôi thì liên tục la hét, quát tháo vào mặt các con.
Một buổi tôi, tôi không thể ngủ được. Tôi nhớ đến một người bạn của tôi đã từng nhắc tới việc thực hành phương pháp dạy con RIE. Cô ấy có vẻ bình tĩnh một cách lạ lùng với con trai đang độ tuổi chập chững biết đi.
Vậy là tôi lên mạng, gõ cụm từ "RIE parenting" (viết tắt của "Resources for Infant Educarers" - tạm dịch "Kế sách dành cho những ngươi chăm sóc trẻ sơ sinh") vào ô tìm kiếm. Triết lý dạy con này đã xuất hiện từ hàng chục năm qua nhưng hiện tại, đang phổ biến với tốc độ chóng mặt.
Nguyên tắc RIE rất đơn giản: Hãy tin tưởng rằng trẻ có đủ khả năng tham gia và chơi đùa mà không cần nhiều sự can thiệp của cha mẹ. Nghe có vẻ không đủ độ tin tưởng nhưng cách dạy con hiện tại của tôi bằng những trận la mắng rõ ràng không đem lại hiệu quả gì và tôi thì luôn cảm thấy tội lỗi.
Và khi áp dụng "RIE parenting" tôi đã học được những bài học sau:
Trước đây, tôi dính lấy hai con như keo, không bao giờ rời khỏi chúng.
Bài học số 1: Giữ bình tĩnh
Trong chương mở đầu cuốn sách giúp khai sáng cho tôi "No Bad Kids: Toddler Discipline Without Shame" (tạm dịch: Không có đứa trẻ hư: Kỷ luật trẻ ở độ tuổi chập chững biết đi mà không cảm thấy dằn vặt), tác giả Janet Lansbury viết rằng, bạn cần "phản ứng ngay, một cách tình tĩnh, như thể mình là một CEO (giám đốc điều hành)".
Tôi quyết định thử lý thuyết này bằng cách đưa các con ra sân sau nhà.
Hai con gái của tôi rất thích nhét sỏi đá vào miệng. Do đó, lúc nào tôi cũng cảm thấy mình sẽ phải giám sát 1-1 với các con. Thường thì tôi sẽ hét lên: "Không được ăn sỏi" rồi đánh vật để lấy viên sỏi ra khỏi miệng Chloe trong khi Claire cực kỳ thích thú bốc một vốc sỏi thật đầy.
Nhưng lần này, khi Chloe cho chỗ sỏi vào miệng, thay vì làm như mọi khi, tôi chỉ nói: "Mẹ không muốn con cho sỏi vào miệng đâu" rồi mới moi sỏi ra khỏi miệng con.
Điều tuyệt vời là, ngay khi tôi tỏ ra bình tĩnh, các con lập tức hết hứng thú với cuộc thi ăn sỏi kỳ quặc của mình. Không còn đuổi theo con khắp sân chơi, tôi để hai chị em chơi đùa với nhau, chỉ can thiệp nếu chúng đánh nhau hoặc nhét sỏi vào miệng.
Trong một giờ đồng hồ chơi ngoài sân, tôi ngạc nhiên nhận ra, các con chơi mà không cần nhiều sự can thiệp từ tôi. Tôi thậm chí còn ngồi xuống một chỗ, ngắm con chơi đùa vui vẻ.
Bài học 2: Hạ thấp kỳ vọng của bạn
Khi chào đời, hai con gái tôi đều phải nằm trong phòng chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt và gặp khó khăn trong việc tăng cân. Rồi tôi trở nên cực kỳ căng thẳng nếu con không ăn hết phần thức ăn của mình. Bữa ăn luôn là cuộc chiến đối với 3 mẹ con tôi.
Vào bữa tối hôm đó, thay vì nịnh nọt, dụ dỗ các con ăn thêm một miếng nữa thôi, tôi ngồi bên con và không đếm số thìa ăn của con nữa. Tôi ăn một ít hạt hạnh nhân trong lúc con nhai thức ăn. Các con ăn tối xong, tôi dọn dẹp, rửa sạch cho con rồi để chúng tự chơi. Bi kịch biến mất.
Bài học 3: Tin tưởng con bạn
Thử nghiệm RIE lớn nhất với tôi là ở sân chơi. Trước khi áp dụng RIE, tôi dính chặt lấy 2 con gái như keo, quan sát mọi cử động của con và căng thẳng trước mỗi gờ tường mà con lại gần.
Tôi cùng ông xã ngồi ở phía cuối một mô hình vui chơi trong lúc các con leo trèo và chơi cầu trượt. Tôi mất tới hàng tuần để rũ bỏ cảm giác căng thẳng. Nhưng tôi quan sát sự thay đổi kỳ diệu theo thời gian: cặp song sinh của chúng tôi giỏi giang biết bao, tự tin biết bao ở sân chơi!
Tôi có thể thấy những bước chân thoăn thoắt khi các con leo thang. Không có tôi cư xử như một huấn luyện viên khó tính bên cạnh, các con tha hồ thử nghiệm thứ mới mỗi lần ra sân chơi.
Tôi bớt căng thẳng và không còn can dự nhiều vào những trận cãi vã của hai con nữa.
Tại sao RIE lại hiệu quả đến vậy?
Tôi đã nói chuyện với chuyên gia về RIE Janet Lansbury về lý do tại sao phương pháp dạy con này lại có hiệu quả tuyệt vời như thế.
Bà cho biết: "Với RIE, cha mẹ hiểu rõ hơn về vai trò của mình và những gì họ cần phải kiểm soát, những gì họ cần phải buông tay. Thay vì cố gắng kiểm soát mọi thứ, bạn và con bạn là những chuyên gia cùng học với nhau".
Khác với trước đây, tôi để các con tham gia vào việc thay tã, mặc quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Khi chuẩn bị bữa ăn, thay vì một mình "cân tất", chúng tôi làm việc cùng nhau để nhặt rau, nướng pizza, rưới nước sốt.
Tôi không còn bối rối trước những cơn giận dữ hay ăn vạ của con nữa. Tôi hít thở thật sâu khi cảm thấy mình bị thử thách.
Tôi đưa ra các chỉ dẫn rõ ràng hơn. Thay vì nói "Cùng lau dọn nào" khi ở phòng chơi của con, tôi sẽ nói: "Mẹ muốn các con đặt sách vào chiếc giỏ hồng". Nếu các con có đánh nhau, tôi sẽ để chúng tự giải quyết và chỉ can thiệp nếu thấy hai đứa đang cố gắng làm đau đứa kia.
Phần tuyệt nhất của RIE là tôi biết cách tận hưởng khoảng thời gian bên các con nhiều hơn hẳn trước đây. Tôi cũng chứng kiến sự tự tin của các con tăng lên khi chúng học cách tự mặc quần, giúp cho cún cưng ăn và xử lý những trò chơi mới trong sân chơi...
Áp dụng RIE trong những tình huống thường ngày như thế nào?
Tình huống 1: Con nổi giận, mè nheo
Bạn cần nói gì: Mẹ biết con đang thực sự có rất nhiều cảm xúc lúc này. Mẹ ở đây vì con, khi nào con sẵn sàng chia sẻ.
Cặp song sinh của chúng tôi giỏi giang biết bao, tự tin biết bao ở sân chơi!
Tình huống 2: Bạn bực bội khi con la hét vào mặt bạn
Hãy xem việc la hét là một cách con bày tỏ cảm xúc chứ không phải một vụ công kích cá nhân. Gật đầu và để cơn sóng cảm xúc của con tràn sang bạn.
Tình huống 3: Con đưa thứ gì đó không an toàn vào miệng
Bạn cần nói gì: "Mẹ không muốn con cho thứ đó vào miệng. Nó không phải để ăn đâu". Nếu con tiếp tục hành vi, hãy nói: "Con vẫn đang cho thứ đó vào miệng. Vì vậy, mẹ sẽ lấy nó ra".
Tình huống 4: Con đánh, cắn hoặc đấm đá bạn
Trước hết, hãy chặn tay/chân bé để con không đánh vào bạn được. Sau đó, nói với con: "Con thấy là con muốn đánh mẹ. Nhưng mẹ không để con làm thế vì như vậy làm mẹ đau".
Tình huống 5: Con bạn làm điều gì đó bạn yêu cầu
Hãy trân trọng nỗ lực của con: "Con thật là tốt khi đối xử dịu dàng như thế với bạn cún cưng".
Nguồn: Parent