Thành công đàm phán liên Triều
Tối 9/1, Triều Tiên và Hàn Quốc chính thức tuyên bố, cuộc đàm phán cấp cao giữa hai quốc gia tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã thành công tốt đẹp. Đây là cuộc đối thoại lần đầu tiên giữa hai nước được nối lại sau hai năm bị gián đoạn.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Bình Nhưỡng và Seoul đã có các cuộc thảo luận thẳng thắn và tích cực về nhiều vấn đề, bao gồm đảm bảo thành công Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và cải thiện quan hệ hai miền liên Triều.
Trong đó, phía Triều Tiên đã đề nghị gửi một phái đoàn cấp cao, vận động viên, cổ động viên, nghệ sĩ và các nhà báo sang tham dự Thế vận hội.
Đáp lại, phía Hàn Quốc có thể sẽ đặc cách cho một số vận động viên không đủ điều kiện của Triều Tiên được phép thi đấu.
Cũng trong cuộc họp này, phía Hàn Quốc đề nghị tổ chức một buổi đoàn tụ cho các gia đình phải chịu cảnh ly tán kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ cân nhắc việc tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Hai bên cũng quyết định giữ vững các cam kết trước đó về các vấn đề liên Triều, nhất trí mọi vấn đề giữa hai miền phải được giải quyết giữa hai bên thông qua đối thoại và tham vấn.
Bình Nhưỡng đã thông báo cho Seoul về việc nối lại đường dây liên lạc trong cuộc hội đàm cấp cao liên Triều. Đường dây liên lạc quân sự này vốn bị Triều Tiên cắt đứt vào tháng 2/2016 nhằm phản ứng trước việc Hàn Quốc chấm dứt hoạt động của khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong.
Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng, việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tới sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và sẽ tạo điều kiện hướng tới các cuộc đối thoại giảm căng thẳng và phi hạt nhân hóa.
Sứ giả hồi sinh quan hệ liên Triều
Tâm điểm chú ý trong sự kiện phá băng quan hệ Triều Tiên và Hàn Quốc là sự xuất hiện của đại diện phái đoàn Bình Nhưỡng - Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình đất nước Ri Son-gwon.
Ngay từ trước khi cuộc đàm phán liên Triều diễn ra tại Bàn Môn Điếm, tuyên bố về việc sẵn sàng nối lại đường dây nóng quân sự hai nước được đưa ra bởi một trong những nhà đàm phán quân sự tài ba nhất của Bình Nhưỡng.
Ông Ri Son-gwon nổi tiếng với tính cách nóng nảy.
"Tôi đến đây với hy vọng hai miền Triều Tiên tổ chức đàm phán bằng thái độ chân thành và trung thực để mang lại kết quả quý giá như món quà năm mới cho người dân", ông Ri nói trước thềm cuộc gặp.
Không phải là một nhân vật lạ mặt, ông Ri Son-gwon – người vốn là một quan chức cấp cao quân đội – vẫn thường đại diện cho đất nước tham gia vào cuộc đàm phán quân sự liên Triều dưới thời chính quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun và trong giai đoạn leo thang căng thẳng những năm tiếp theo.
Ông từng xuất hiện tại 27 cuộc họp được tổ chức giữa hai miền Triều Tiên kể từ năm 2004 cho đến nay.
Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, ông Ri được bổ nhiệm làm Giám đốc bộ phận chính sách của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên. Ủy ban này sau đó đã bị giải thể.
Ri Son-gwon hiện tại là thành viên của Ủy ban Ngoại giao Nhân dân Tối cao, cơ quan mới khởi động trở lại vào tháng 4/2017.
Ri Son-gwon được coi là cánh tay phải của Kim Yong-chul, quan chức quân sự hàng đầu của Triều Tiên bị cáo buộc chịu trách nhiệm về vụ đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan vào năm 2010 và vụ nã pháo vào hòn đảo Hàn Quốc gần biên giới tranh chấp trên biển.
Kim Yong-chul là một trong những nhân vật có tên trong danh sách bị trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc.
Các phương tiện truyền thông trong quá khứ thường nhắc nhiều tới tính cách nóng nảy của ông Ri tại các cuộc họp liên Triều.
Trong 10 phút đầu tiên tại một cuộc họp vào tháng 2/2011, nhà đàm phán của Triều Tiên đã hét lớn: "Chúng tôi hoàn toàn không liên quan đến vụ việc tàu chiến Cheonan", trước khi rời khỏi phòng họp.
Trong một cuộc thảo luận khác vào năm 2010, ông Ri cũng thẳng thừng bác bỏ sự liên quan của Triều Tiên trong vụ đánh chìm tàu hộ tống, cho rằng Hàn Quốc tự ngụy tạo mọi chuyện.
Trong giai đoạn lựa chọn thành viên tham gia đoàn đàm phán liên Triều ngày 9/1, Bộ Thống nhất của Seoul nói rằng, nếu ông Ri Son-gwon trở thành đại diện cho phía Triều Tiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon sẽ là đại diện của nước này.
Một trong những quyết định mà giới quan sát cho rằng phía Seoul rất coi trọng cuộc đàm phán.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho hay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngay từ đầu đã ngắm ông Ri Son-gwon trở thành sứ giả đến Bàn Môn Điếm.
"Triều Tiên không có bộ Thống nhất giống như Hàn Quốc, nhưng ủy ban mà ông Ri đứng đầu có thể được xem như một đối tác tương đồng về bản sắc và vai trò", Koh Yu-hwan, Giáo sư tại trường đại học Dongguk ở Seoul nói với tờ The Korea Herald.
Với thành công bước đầu sau cuộc hội đàm, Triều Tiên và Hàn Quốc đang hy vọng sẽ có thêm các cuộc đối thoại khác trong tương lai để phá dỡ hoàn toàn băng giá ngăn cách quan hệ hai nước trong những năm qua.