Trong khi biểu tình bạo lực diễn ra ở Hồng Kông kể từ tháng 6, các lãnh đạo Trung Quốc trong những tháng gần đây đã điều phối các phản ứng của Đại lục từ một khu biệt thự tại ngoại ô thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Biện pháp này đã vượt qua cách thức hành chính truyền thống mà Bắc Kinh áp dụng để giám sát đặc khu Hồng Kông trong hơn 2 thập kỷ qua.
Ban đầu, các trao đổi giữa Bắc Kinh và Hồng Kông được thực hiện thông qua một cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc là Văn phòng liên lạc của chính phủ nhân dân trung ương tại Hồng Kông. Trụ sở của Văn phòng nằm trong một tòa nhà chọc trời tại Hồng Kông, với camera an ninh dày đặc và các rào chắn thép kiên cố.
Hai nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters, Văn phòng đã hứng chỉ trích tại Hồng Kông và cả Đại lục khi đánh giá không đúng tình hình của Hồng Kông.
"Văn phòng liên lạc đã quá thân cận với những người giàu có và giới tinh hoa Đại lục tại Hồng Kông, và tự cô lập mình khỏi người dân," Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc. "Điều này cần phải thay đổi."
Văn phòng liên lạc tại Hồng Kông có thể đối diện với sức ép gia tăng sau cuộc bầu cử hội đồng lập pháp cấp quận hôm 24/11 vừa qua, với kết quả là phe ủng hộ dân chủ thắng lợi lớn trước phe ủng hộ Đại lục khi các ứng viên của họ thắng cử 388/452 vị trí ủy viên hội đồng, giành quyền kiểm soát ở 17/18 quận của Hồng Kông.
Biệt thự Dương Tử Kinh
Reuters cho hay, trung tâm xử lý khủng hoảng của giới chức Trung Quốc được đặt tại khu biệt thự Dương Tử Kinh - một tài sản thuộc Văn phòng liên lạc Hồng Kông nằm ngay gần biên giới giữa Hồng Kông và Đại lục.
6 nguồn tin thân cận với tình hình nói với Reuters, các quan chức Đại lục đã tập trung tại địa điểm này để hoạch định chiến lược và ra các chỉ thị nhằm hòa dịu khủng hoảng. Trong suốt 5 tháng diễn ra biểu tình và bạo lực gia tăng, giới chức Bắc Kinh từng triệu tập những quan chức chủ chốt của Hồng Kông để gặp mặt tại khu biệt thự Dương Tử Kinh.
Trong số nhân vật từng có mặt tại đây - theo 2 nguồn tin - có trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam, bên cạnh một số quan chức cảnh sát Hồng Kông, các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách ủng hộ Đại lục.
2 quan chức và một nguồn tin thân cận với chiến dịch cho Reuters biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được báo cáo hàng ngày phát đi từ trung tâm xử lý khủng hoảng này.
Theo các nhà ngoại giao, việc thiết lập trung tâm xử lý tại Thâm Quyến - với một kênh liên lạc trực tiếp đến ông Tập - cho thấy sức nặng và mức độ nhạy cảm của tình hình Hồng Kông.
Một xe ô tô rời khỏi khu villa Dương Tử Kinh ở Thâm Quyến, ngày 21/11 (Ảnh: Reuters)
"Trụ sở song song"
Khu biệt thự Dương Tử Kinh đã được vận hành như một kênh bổ sung trong hệ thống của Bắc Kinh nhằm quản lý Hồng Kông, sau khi đặc khu được trao trả về Đại lục năm 1997.
Trong khi đó, Văn phòng liên lạc - cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện, từ lâu đóng vai trò nền tảng để phát triển ảnh hưởng của Bắc Kinh với trung tâm tài chính này. Văn phòng củng cố quan hệ với chính quyền Hồng Kông, các nhân vật ủng hộ chính quyền cùng hàng loạt tổ chức đoàn thể ủng hộ Bắc Kinh - bao gồm doanh nghiệp hoặc các hiệp hội từ những tỉnh thành, khu vực của Trung Quốc.
3 nguồn tin thân cận với chiến dịch ở villa Dương Tử Kinh tiết lộ, các quan chức Trung Quốc ban đầu cố gắng tìm ra giải pháp dung hòa giữa việc không nhượng bộ các yêu cầu của người biểu tình nhưng vẫn hạn chế trấn áp mạnh tay, nhằm tránh rủi ro hủy hoại vị thế trung tâm thương mại, tài chính của Hồng Kông.
Tuy nhiên, sau khi biểu tình leo thang mạnh mẽ từ tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ, lãnh đạo Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông - phó thủ tướng Hàn Chính - đã ủy quyền trưởng đặc khu Carrie Lam liên lạc trực tiếp với văn phòng của ông qua đường dây nóng, thay vì thông qua Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh.
Sau đó, nhiều lãnh đạo cấp phó từ Bộ công an, Bộ an ninh quốc gia, Văn phòng không gian mạng,... cùng nhiều ban ngành khác đã được triệu tập tới villa Dương Tử Kinh - phần nào cho thấy thái độ của Bắc Kinh trong xử lý khủng hoảng ở đặc khu.
Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính tiếp bà Carrie Lam tại Bắc Kinh, ngày 6/11/2019 (Ảnh: Xinhua)
Reuters cho biết, hai lãnh đạo cấp cao Trung Quốc phụ trách vấn đề Hồng Kông đã làm việc tại khu villa trên để kết nối chặt chẽ hơn với giới lãnh đạo đặc khu mà vẫn bảo đảm bí mật.
Một người là ông Trương Hiểu Minh, giám đốc Văn phòng sự vụ Hồng Kông-Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Ông Trương được cho là hiện diện thường xuyên tại biệt thự Dương Tử Kinh trong suốt cuộc khủng hoảng.
Người còn lại là phó thủ tướng Hàn Chính. Các nguồn tin hé lộ, một ngày sau khi người biểu tình Hồng Kông chặn lối vào trụ sở Hội đồng lập pháp thành phố hôm 12/6, ông Hàn đã tới khu biệt thự và triệu tập bà Carrie Lam để trao đổi. Khi bà Lam đề xuất đình chỉ dự luật dẫn độ, ông Hàn đã thảo luận với các lãnh đạo khác tại Bắc Kinh và chấp thuận. Việc đình chỉ dự luật được bà Lam tuyên bố ngày 15/6.
Theo một quan chức cấp cao Hồng Kông, Văn phòng liên lạc và cả các chính khách thân Bắc Kinh "không biết về việc rút dự luật cho đến khi gần có quyết định".
Khi các cuộc biểu tình không hạ nhiệt, Bắc Kinh đã thể hiện vai trò rõ ràng hơn trong vấn đề Hồng Kông. Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc kêu gọi hãng hàng không Cathay Pacific Airways của Hồng Kông đình chỉ các nhân viên ủng hộ hoặc tham gia tuần hành; lực lượng bán quân sự Đại lục tổ chức tập trận quy mô lớn ở Thâm Quyến; và mới đây Trung Quốc lên án mạnh mẽ việc tòa án cấp cao Hồng Kông phán quyết Lệnh cấm mặt nạ mà chính quyền Hồng Kông ban hành từ ngày 5/10 là không phù hợp Luật cơ bản.
Theo Reuters, biệt thự Dương Tử Kinh từng được dùng làm trung tâm xử lý khủng hoảng vào năm 2014. Khi đó, các quan chức Trung Quốc đã làm việc tại khu nghỉ này trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình Chiếm Trung tâm làm rúng động Hồng Kông.
Khu villa cũng là địa điểm tổ chức tiếp đón nhiều đoàn đại biểu từ các nhóm thân Bắc Kinh và ủng hộ chính quyền Hồng Kông đến tham gia các khóa đào tạo, cũng như là nơi tổ chức hội nghị trù bị trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội thường niên tại Bắc Kinh.
Reuters cho biết, chủ tịch Tập Cận Bình từng đến thăm và trồng cây bên trong khu nghỉ này, trước khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.