"Rất nguy hiểm" nếu ông Kim gặp ông Tập sau khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2?

Tất Đạt |

Ông Tập Cận Bình có lí do riêng khi không gặp ông Kim Jong Un sau khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt được kết quả như mong muốn.

Cuộc gặp bị hủy bỏ

Theo Asia Times, nếu thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra theo đúng kế hoạch, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chào đón ông Kim tại Bắc Kinh ngay sau đó, vào khoảng chiều ngày 4/3.

Ông Kim Jong Un có thể đã nở nụ cười tươi tại Trung Quốc, nếu như viễn cảnh tươi sáng xảy ra theo đúng như Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã mường tượng.

Thay vào đó, chuyến tàu hỏa bọc thép đặc biệt chở nhà lãnh đạo trẻ đi thẳng qua lãnh thổ Trung Quốc, tới biên giới với Triều Tiên mà không dừng lại ở Bắc Kinh.

Kết quả không như ý của thượng đỉnh tại Hà Nội đã "xóa" Trung Quốc khỏi kế hoạch đã dự định, và tất nhiên, hủy cả cơ hội để ông Tập và ông Kim bàn luận những bước cuối cùng trong việc hòa giải mâu thuẫn giữa Mỹ - Triều Tiên.

Trước khi thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27-28/2, ông Trump cho biết ông "không hề vội vã" với vấn đề phi hạt nhân Triều Tiên.

Rất nguy hiểm nếu ông Kim gặp ông Tập sau khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2? - Ảnh 1.

Ông Donald Trump dạo bộ cùng ông Kim Jong Un. Ảnh: Reuters

Cùng lúc đó, ông Trump tiếp tục gửi đi thông điệp tích cực về mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên, tạo nên cảm giác rằng mọi việc đang diễn biến rất suôn sẻ. Nhưng tại Hà Nội, ông Trump đã đột ngột rời khỏi bàn đàm phán.

Tại sao ông Kim có thể hiểu nhầm ý định của Mỹ? Khi con tàu dần đi qua lãnh thổ Trung Quốc, nhiều người bắt đầu tìm kiếm nguyên nhân của cuộc đổ vỡ. Trong khi đó, ông Tập hoàn toàn không xuất hiện trong những đánh giá của chuyên gia.

"Rất nguy hiểm nếu ông Tập gặp ông Kim vào thời điểm ấy. Ông Kim đã có quan điểm rất cứng rắn với ông Trump và không đạt được kết quả như mong muốn. Nếu gặp mặt, ông Tập có thể sẽ phải chịu trách nhiệm một phần kết quả của thượng đỉnh bởi Trung Quốc là một đồng minh 'cứng' của Triều Tiên. Điều đó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt," một chuyên gia Trung Quốc chuyên nghiên cứu về vấn đề quốc tế cho hay.

Trong vòng 1 năm, ông Tập đã đối thoại với ông Kim 4 lần. Cuộc gặp tại Bắc Kinh sau chuyến đi tới Hà Nội đáng nhẽ sẽ là lần thứ 5. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả thế giới đều tin rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới mọi động thái của ông Kim.

Ưu tiên hàng đầu của ông Tập

Ông Trump đã có phản ứng "đậm chất Trump" vào năm ngoái khi hủy bỏ kế hoạch gặp ông Kim Jong Un tại Singapore.

Tổng thống Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng ông không hài lòng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc đằng sau Triều Tiên - đây cũng được cho là lí do Triều Tiên rất cứng rắn với Mỹ trong suốt một thời gian dài. Ít lâu trước khi ông Trump hủy bỏ, ông Kim đã gặp ông Tập tại thành phố Đại Liên.

Mặc dù ông Trump nhanh chóng đảo ngược quyết định và tiếp tục tổ chức thượng đỉnh lần thứ 1, thì sự bất đồng của ông với Trung Quốc vẫn hiện hữu.

Tại Mỹ, đã có sự nghi ngờ rằng Trung Quốc đang "giật dây" mọi chuyện để bảo vệ lợi ích trên bán đảo Triều Tiên, và gây áp lực để Bình Nhưỡng không mau chóng thỏa hiệp với Mỹ.

Rất nguy hiểm nếu ông Kim gặp ông Tập sau khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2? - Ảnh 2.

Ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình tại Đại Liên. Ảnh: AP

Việc ông Tập gặp ông Kim sau thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ làm gia tăng sự nghi ngờ này.

Trung Quốc không thể hỗ trợ Triều Tiên trở thành một "quốc gia hạt nhân". Đối với Bắc Kinh - một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có lẽ chỉ cần duy nhất một quốc gia hạt nhân tại vùng Đông Á: Trung Quốc.

Ông Tập tất nhiên có thể nỗ lực để thuyết phục ông Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân như ông Trump yêu cầu. Nhưng mục tiêu đó khó có thể được hoàn thành, nếu xét tới mối quan hệ phức tạp giữa Triều Tiên - Trung Quốc.

Ông Kim đã mời ông Tập thăm chính thức Triều Tiên. Tuy nhiên, xét trên tình hình nhạy cảm xoay quanh đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc tại thời điểm này, ông Tập cần phải cân nhắc thận trọng trước khi có chuyến đi tới Bình Nhưỡng.

Trung Quốc cần phải đàm phán thương mại thành công với Washington bằng bất kì giá nào. Đó là ưu tiên hàng đầu của ông Tập. Sự thất bại sẽ là một đòn giáng chí tử vào nền kinh tế của Trung Quốc, vốn đã đang trên đà xuống dốc.

Trung Quốc gặp khó nhưng sẽ không từ bỏ

Tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thường niên tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố mục tiêu phát triển kinh tế của Trung Quốc năm 2019 là giữa khoảng 6%-6.5%, một mức giảm so với mốc 6.5% của năm 2018. Tuy nhiên, thậm chí con số này cũng là một thách thức giữa bối cảnh kinh tế hiện tại.

Từ khi ông Tập nhậm chức vào mùa thu năm 2012, nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua nhiều lần tăng - giảm. Quỹ đạo này dần trở nên rõ ràng hơn trong năm ngoái.

Rất nguy hiểm nếu ông Kim gặp ông Tập sau khi kết thúc thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2? - Ảnh 3.

Ông Tập Cận Bình sẽ phải rất chú trọng nếu tới thăm Triều Tiên. Ảnh: KCNA

May mắn là, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh từ tháng 2 trong sự lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Phương án tốt nhất đối với ông Tập hiện tại là thuyết phục ông Trump đảo ngược các thuế quan nhập khẩu mà Mỹ đã áp đặt.

Cùng lúc, ông Tập cũng không thể đàm phán với ông Trump cho tới khi các vấn đề then chốt đã được giải quyết. Tuy nhiên, đây không phải việc ông Tập có thể làm một mình mà vẫn cần tới sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thêm vào đó, nếu ông Tập thất bại trong thỏa thuận thương mại với ông Trump, thì người chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ là ông Tập.

"Tôi không ngại rút khỏi thỏa thuận. Và tôi sẽ làm điều đó với Trung Quốc, nếu mọi chuyện không suôn sẻ," ông Trump trả lời báo chí sau cuộc gặp với ông Kim tại Hà Nội.

Là một nhà kinh doanh, ông Trump rất giỏi "giấu bài" và Bắc Kinh sẽ có khoảng thời gian khó khăn đánh giá chiến lược của tổng thống Mỹ.

Ông Tập được cho là sẽ tới Mỹ vào ngày 27/3 để gặp ông Trump. Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua luật đầu tư nước ngoài mới để đảm bảo công bằng thương mại đối với các công ty nước ngoài - một trong những đòi hỏi chính yếu của Mỹ.

Nhưng sẽ khó có khả năng Trung Quốc nhượng bộ Mỹ trong cuộc đàm phán tới.

Trong bài phát biểu ngày 5/3, ông Lý Khắc Cường còn không nhắc tới kế hoạch "Made in China 2025".

Đây là tham vọng đưa một số nền công nghiệp then chốt của Trung Quốc dẫn đầu trên toàn cầu, và là điều mà ông Trump muốn ngăn cản.

Tất nhiên, Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch. Nhưng Bắc Kinh dường như rất bất bình với tình cảnh hiện tại và cho rằng Trung Quốc có quyền phát triển kinh tế như nước này mong muốn.

Trung Quốc hiện đang rất thận trọng trước vấn đề Triều Tiên, cũng như tránh thách thức Mỹ tại thời điểm đặc biệt nhạy cảm này. Ví dụ, Bắc Kinh đã không chỉ trích Mỹ gay gắt trong vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của Huawei.

Quan điểm của Trung Quốc hiện rất rõ ràng. Tất cả đều hướng tới Mar-a-Lago, nơi thượng đỉnh giữa ông Trump - ông Tập sẽ diễn ra vào cuối tháng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại