Các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra nhận định trên sau khi Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) trong cuộc họp với Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc ngày 5/3 cho biết đã phát hiện các dấu hiệu về việc Triều Tiên có thể đang khôi phục một phần cơ sở phóng vệ tinh Sohae gần biên giới với Trung Quốc, còn được gọi là bãi phóng tên lửa Dongchang-ri mà nước này đã dỡ bỏ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tháng 6 năm ngoái.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ cũng đã công bố hình ảnh chụp căn cứ này từ vệ tinh thương mại và cho biết đã phát hiện các hoạt động đó tại bệ thử động cơ thẳng đứng và cấu trúc vận chuyển tên lửa gắn trên bệ phóng.
Một số chuyên gia ở Seoul cho rằng Triều Tiên có thể đã bắt đầu công việc khôi phục trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều để sẵn sàng phá hủy theo thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà nhiều người cho là hai bên sẽ đạt được tại Hà Nội.
Ông Kim Dong-Yub, Giám đốc Viện Nghiên cứu viễn Đông của Hàn Quốc, nhận định: "Triều Tiên có thể đã chuẩn bị sửa chữa cơ sở này phòng khi các thanh sát viên bên ngoài đến xem, như một phần của các nỗ lực lớn hơn nhằm nâng cao giá trị sự nhượng bộ của họ".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Choi Yong-hwan thuộc Viện Chiến lược An ninh quốc gia Hàn Quốc, cho rằng mặc dù hình ảnh vệ tinh đã được chụp vào cuối tuần qua, nhưng không có đủ bằng chứng để xác định liệu các công việc khôi phục như vậy đã được thực hiện trước hay sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng cộng đồng quốc tế nên ủng hộ và khuyến khích các bước tích cực đang được Bình Nhưỡng thực hiện trên lộ trình tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Lời kêu gọi này được Trung Quốc đưa ra trong bối xuất hiện các thông tin truyền thông cho rằng Triều Tiên đang nối lại hoạt động tại một trạm phóng vệ tinh, trong đó sử dụng công nghệ tương tự như từng được sử dụng cho các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Phát biểu họp báo, ông Lục Khảng nhấn mạnh: "Trên thực tế, tất cả chúng ta đều biết rằng bắt đầu từ năm ngoái, Triều Tiên đã thực hiện một số biện pháp tích cực đối với việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi cho rằng những bước này nên được công nhận và khuyến khích".
Nhà ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng tất cả các bên liên quan nên tiếp tục tuân thủ một lộ trình chính trị trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác vì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Độc giả đọc tin gốc tại đây