Mig Mora (Chicago, Mỹ) đã đem về khoản thu nhập lên tới 192.000 USD chỉ trong vòng 1 phút. Cụ thể, anh đã sử dụng hiện thân ảo mang tên Spottie WiFi, tung ra album gồm 7 bài hát cùng ấn phẩm liên quan ở định dạng NFT .
Chỉ trong 1 phút mở bán, tổng cộng 2.000 NFT đã được mua hết. Khoản thu 192.000 USD là con số không tưởng với Mora, người từng phải từ bỏ đam mê nghệ thuật gần 10 năm trước.(NFT là viết tắt của Non-fungible token, là một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain - tương tự như Bitcoin ).
Mig Mora tốt nghiệp trường luật nhưng hòa mình vào văn hóa hip hop của Chicago từ rất sớm. Đầu thập niên 2010, anh cùng cộng đồng rapper đã tham gia lưu diễn khắp thành phố. Anh cũng từng ra mắt album và sở hữu một nhãn hiệu thời trang đường phố.
Tuy nhiên, sau đó không lâu Mig Mora buộc phải chấm dứt sự nghiệp vì không ký hợp đồng được với hãng đĩa lớn nào.
Chân dung Mig Mora vào năm 2013, khi còn hoạt động trong giới âm nhạc. Ảnh: Chicago Now.
Cuối năm 2017, khi tiền mã hóa bắt đầu được biết đến rộng rãi, Mig Mora đã đầu tư rất nhiều tiền vào Bitcoin. Tuy vậy, cú trượt dài về giá khiến anh không thu hồi được vốn đã bỏ ra.
Theo lời khuyên của bạn bè, thay vì bán cắt lỗ, anh vẫn quyết định giữ số coin mình đang có, thậm chí mua thêm trong 2 năm kế tiếp để hi vọng một ngày giá tăng lại. Tới đầu năm 2021, khoảng đầu tư từ 4 năm trước mới bắt đầu đem lại lợi nhuận cho Mora.
Mora biết đến NFT thông qua những người bạn có chung sở thích sưu tập thẻ ngôi sao bóng chày NBA. Sau một thập kỷ tạm dừng ước mơ âm nhạc, Mig Mora đột nhiên có ý tưởng quay trở lại nhờ vào NFT.
Anh mua một NFT mang tên CryptoPunk số 5528 để hoạt động như một rapper ảo với nghệ danh Spottie WiFi.
Vì CryptoPunk số 5528 có khuôn mặt đầy những nốt mụn (spot, nguồn gốc của cái tên "Spottie") nên không được nhiều người yêu thích. Nó chỉ có giá 27 ETH, tương đương gần 40.000 USD.
Spottie WiFi cùng các CryptoPunk khác. Ảnh: Complex
Sự nghiệp rapper ảo dưới nhân dạng NFT của Mora thực sự bắt đầu khi Mora nghe Mark Cuban rap về CryptoPunk. Anh quyết định biến khuôn mặt này thành rapper số một của thế giới NFT. Dự án Spottie WiFi được lên kế hoạch chuẩn bị.
Nhân dạng NFT của Mora không chỉ debut với single, ra mắt các bản remix khác nhau và tham gia nhiều rap battle trên Discord, ra mắt ca khúc chủ đề cho một bộ truyện NFT.
Để quảng bá cho tên tuổi của mình, anh tận dụng cơ hội buổi đấu giá CryptoPunk đang được tổ chức tại thành phố New York của nhà đấu giá Christie's.
Anh thuê một xe tải chạy quảng cáo single đầu tay, cho đậu ngay trước nơi diễn ra buổi bán đấu giá. Nhiều tờ báo đã đăng tải hình ảnh này và đưa Spottie WiFi đến với đại chúng.
Spottie WiFi nhanh chóng thu hút được một lượng người hâm mộ nhất định. Anh bán hết 2.000 NFT để thu về gần 200.000 USD chỉ trong 60 giây mở bán. Spottie WiFi thậm chí nổi tiếng đến mức có thể tổ chức concert ảo.
Khác với MP3, khi mua một bài hát, người dùng chỉ có quyền nghe tác phẩm đó. Còn nếu mua NFT, chủ sở hữu được tự do sử dụng chúng trong những dự án cá nhân mang tính thương mại như phim hay concert. Chính khác biệt cốt lõi nằm ở quyền sở hữu đã thu hút rất nhiều người.
Spottie WiFi trong concert ảo đầu tiên của mình. Ảnh: Complex
Spottie WiFi chia sẻ: “Mọi việc diễn ra quá nhanh đến nỗi tôi không thể tin nổi. Tất cả đã bán hết trong chưa đầy một phút. Nếu ai đó đặt giả thuyết này với tôi trước đó vài tuần, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tin”.
Theo Complex thống kê, hiện tại có khoảng 700 người sưu tập NFT liên quan đến Spottie WiFi. Khoản chi trung bình mỗi người bỏ ra là 300 USD.
Mora cho rằng, thông qua NFT, các nghệ sĩ lớn có thể giảm đi đáng kể chi phí vào tay hãng thu và ông bầu.
Bản thân người sáng tạo có thể trực tiếp kết nối với người hâm mộ thật sự quan tâm. Khi người dùng cảm thấy hứng thú và sẵn sàng chi trả cho các tác phẩm nghệ thuật, họ sẽ không phải chịu bất cứ sự can thiệp nào từ bên thứ 3.
Mig Mora lạc quan cho rằng, NFT sẽ còn tiến xa hơn. Spottie WiFi không dừng lại ở hip hop mà sẽ lấn sân sang điện ảnh và thậm chí truyền hình.