Ranh giới mong manh giữa tầng lớp trung lưu và giới nhà giàu: Tiền không hẳn quan trọng ít hay nhiều, tiêu thế nào mới là điều làm nên khác biệt

Linh Hân |

Nhìn cách người giàu và tầng lớp trung lưu mua tài sản là có thể thấy rõ sự khác biệt.

Hẳn ai cũng từng nghe câu này rất nhiều lần: “Người giàu mua tài sản, người nghèo mua tiêu sản”. Đây chính là quan niệm phổ biến dùng để giải thích tại sao người giàu lại ngày càng giàu.

Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Vấn đề là rất nhiều loại tài sản người giàu mua được thì người thường cũng mua được, nhưng giữa họ vẫn tồn tại một khoảng cách khá lớn.

Chẳng hạn, nhiều người mua cổ phiếu và vẫn không thể giàu lên. Tầng lớp trung lưu trên khá giả cũng kiếm được nhiều tiền như người giàu, nhưng nếu rơi vào cảnh thất nghiệp, họ sẽ trở thành người nghèo.

Ranh giới mong manh giữa người giàu và tầng lớp trung lưu khá giả nằm ở cách mà họ mua tiêu sản.

Ranh giới mong manh giữa tầng lớp trung lưu và giới nhà giàu: Tiền không hẳn quan trọng ít hay nhiều, tiêu thế nào mới là điều làm nên khác biệt - Ảnh 1.

Thông thường, đa số mọi người thường nghĩ tài sản là một thứ gì đó có thể lên giá. Vì thế, họ sẽ coi ngôi nhà mình ở là một loại tài sản. Vấn đề là ngôi nhà này có thể lên giá thì cũng có thể xuống giá. Đó chính là chu kỳ lên giá và xuống giá trong thị trường bất động sản.

Để làm giàu, tài sản cần phải được xác định theo kiểu khác. Bạn không cần một thứ có khả năng tăng giá nhưng vẫn khiến bạn mất tiền. Thay vào đó, bạn nên chọn những thứ sẽ mang lại tiền bạc cho bạn, (đồng thời có khả năng tăng giá). Đó mới là tài sản thực sự.

Trên thực tế, bất cứ thứ gì cũng có thể được nặn thành tài sản thực sự đem lại tiền tài cho bạn. Chẳng hạn, nhà là một loại tiêu sản, bởi nó khiến bạn phải bỏ tiền ra để trả hàng chục thứ như điện, nước, Internet... Khi bạn cho thuê ngôi nhà này và thu tiền đều đặn hàng tháng, nó sẽ trở thành một tài sản thực sự. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo số tiền bạn thu được phải lớn hơn chi phí bạn bỏ ra cho ngôi nhà.

Mặt khác, tiêu sản là thứ bạn sở hữu vì tính tiện nghi và thoải mái của nó. Nó không đem lại tiền tài cho bạn, và sẽ xuống giá theo thời gian. Một ví dụ điển hình chính là chiếc xe mà bạn đang lái.

Những người gặp khó khăn về tài chính là những người thường xuyên bỏ tiền ra mua tiêu sản và nghĩ đó là tài sản. Có 2 trường hợp sẽ xảy ra.

Trường hợp 1: Họ mua những thứ giá trị nhưng không đem lại bất cứ thu nhập nào. Họ hy vọng sẽ bán được nó với giá tốt một ngày nào đó, nhưng rốt cuộc lại chịu thiệt vì phải bán trong thời điểm khủng hoảng.

Trường hợp 2: Họ mua những thứ giá trị và có khả năng tạo ra thu nhập, nhưng không có đủ năng lực tài chính để quản lý chúng. Vì thế, tài sản của họ dần dần mất giá thay vì kiếm ra tiền. Ví dụ, bạn cho thuê nhà với giá 60 triệu VNĐ/tháng, nhưng lại bỏ ra 70 triệu VNĐ/tháng để duy trì nó.

Đây là hai kiểu người cố gắng làm giàu, nhưng thật ra lại đang chật vật. Họ thường thuộc tầng lớp trung lưu trên, với mong muốn thoát khỏi cuộc đua tiền tài và danh vọng vô tận của đời người.

Khi mới bắt đầu, đa số mọi người sẽ rơi vào hai trường hợp trên. Họ thà sống trong thiếu thốn còn hơn thừa nhận cách làm của mình là sai. Họ sẽ chống chế cho đến khi phải nhận toàn kết quả tồi tệ. Họ không muốn thay đổi.

Có những người hiểu đúng, mua đúng tài sản, tạo ra thu nhập thặng dư, nhưng vẫn chưa đủ để trở thành người giàu. Dần dần, họ trở nên chán nản, từ bỏ việc đầu tư tài sản và chỉ muốn tận hưởng cuộc sống. Suy cho cùng, giàu có để làm gì nếu bạn không thể tận hưởng cuộc sống?

Đây chính là chỗ mà người giàu đã đi trước một bước. Tầng lớp trung lưu trên mua tiêu sản bằng vốn, còn người giàu mua tiêu sản bằng thu nhập thặng dư kiếm được từ tài sản của mình. Điều này tưởng như không quan trọng, nhưng lại tạo ra sự khác biệt lớn.

Ranh giới mong manh giữa tầng lớp trung lưu và giới nhà giàu: Tiền không hẳn quan trọng ít hay nhiều, tiêu thế nào mới là điều làm nên khác biệt - Ảnh 2.

Người giàu không bao giờ sử dụng vốn của họ. Nếu bạn đánh đổi thời gian để kiếm tiền, thu nhập bạn nhận được không ít thì nhiều chính là vốn của bạn. Người nghèo dùng vốn để mua những thứ sẽ mất giá hoặc không làm ra tiền. Người giàu dùng vốn để đầu tư, còn dùng thu nhập thặng dư để chi tiêu.

Đó chính là lý do tại sao người giàu không thể phá sản, dù mua sắm phóng tay đến mức nào đi nữa. Nếu muốn hưởng thụ một thứ gì đó, họ sẽ nghĩ về loại tài sản mà mình có thể mua, thứ có thể tạo ra thu nhập thặng dư giúp họ sống một đời hưởng thụ.

Đây chính là tư duy có thể giúp bạn cải thiện tình hình tài chính của mình. Bao nhiêu tiền bạn kiếm được từ việc đánh đổi thời gian lao động đều được coi là vốn, không phải thu nhập. Hãy thử nghĩ xem mình có thể dùng vốn để làm tạo ra thu nhập thặng dư như thế nào. Sau đó, bạn có thể chi tiêu phần thu nhập đó theo cách mình muốn.

Thời khắc bạn bắt đầu dùng vốn để mua tiêu sản, nỗ lực kiếm tiền từ tài sản của bạn sẽ trở nên yếu ớt. Điều này sẽ làm giảm tính hiệu quả của bất cứ khoản đầu tư nào bạn đang có. Đây cũng là sai lầm mà tầng lớp trung lưu trên thường mắc phải.

Tuy nhiên, khi mua tiêu sản bằng thu nhập thặng dư, bạn sẽ có thêm động lực để làm điều tương tự lần nữa. Bạn tự thưởng cho bản thân vì đã biết xài tiền hiệu quả. Trong khi đó, nếu cứ phung phí tiền vốn, bạn chỉ đang tự thưởng cho bản thân vì sự ngu dốt của chính mình, và sự ngu dốt ấy sẽ ngày càng gia tăng.

Người giàu không bỏ vốn để mua tiêu sản. Họ tìm cách tạo ra thu nhập thặng dư từ tài sản và các khoản đầu tư, để rồi dùng số tiền ấy mua tiêu sản họ muốn. Còn tầng lớp trung trên thường làm ngược lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại