Rạn san hô Great Barrier ở Australia nên nằm trong danh sách 'đang gặp nguy hiểm'

Quỳnh Chi |

Rạn san hô Great Barrier của Australia nên được liệt kê vào danh sách các di sản thế giới "đang gặp nguy hiểm", một ủy ban của Liên hợp quốc khuyến nghị hôm 29/11.

Ủy ban của Liên hợp quốc cho biết, hệ sinh thái rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên của các đại dương.

Các sự kiện tẩy trắng thường xuyên đang đe dọa rạn san hô này, bao gồm 4 đợt tẩy trắng trong 7 năm qua. Và lần đầu tiên việc tẩy trắng san hô đã diễn ra trong điều kiện thời tiết La Nina, thường mang lại nhiệt độ mát hơn, trong năm nay.

Quá trình tẩy trắng xảy ra khi nước ấm lên quá mức, khiến san hô đẩy tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng ra và chuyển sang màu trắng.

Báo cáo của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), những người đã đến thăm rạn san hô vào tháng 3, cho biết: "Khả năng phục hồi (của rạn san hô) sau các tác động của biến đổi khí hậu bị tổn hại đáng kể".

Bộ trưởng Bộ Môi trường Australia Tanya Plibersek cho biết, Chính phủ nước này sẽ thúc đẩy UNESCO không đưa rạn san hô vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu đang đe dọa tất cả các rạn san hô trên toàn thế giới, không riêng gì Great Barrier.

Rạn san hô Great Barrier ở Australia nên nằm trong danh sách đang gặp nguy hiểm - Ảnh 1.

Quần thể san hô đang phục hồi tại rạn san hô Great Barrier, ở ngoài khơi bờ biển Cairns, Australia, ngày 25/10/2019. (Ảnh: Reuters)

Bà Plibersek nói trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm rõ ràng với UNESCO rằng không cần thiết phải tách riêng rạn san hô Great Barrier theo cách này.

Lý do mà UNESCO trước đây chỉ ra một nơi có nguy cơ là vì họ muốn thấy chính phủ đầu tư nhiều hơn hoặc hành động mạnh mẽ hơn. Kể từ khi chính phủ thay đổi cách thức xử lý, cả hai điều đó đã được thực hiện".

Chính phủ Australia đã cam kết chi 1,2 tỷ AUD (800 triệu USD) trong những năm tới để bảo vệ rạn san hô. Quốc hội nước này vào tháng 9 đã thông qua luật về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Canberra đã vận động hành lang trong nhiều năm để giữ rạn san hô, nơi đóng góp 6,4 tỷ AUD (4,3 tỷ USD) cho nền kinh tế Australia, ra khỏi danh sách nguy cấp vì điều này có thể dẫn đến việc Great Barrier không còn là di sản thế giới, làm mất đi sức hấp dẫn của nó đối với khách du lịch.

Năm 2021, Australia đã tránh được việc Great Barrier bị đưa vào danh sách "đang gặp nguy hiểm" sau khi Chính phủ tiền nhiệm vận động hành lang mạnh mẽ, khiến UNESCO hoãn đưa ra quyết định sang năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại