Theo đó, cảnh tượng hiếm gặp về trận chiến sinh tử giữa hai loài rắn độc được một người phụ nữ Australia ghi lại ngay trong sân nhà.
Cụ thể, Liz Williams, người dân ở vùng Nanneella thuộc bang Victoria, Australia, cho biết, bà tình cờ chứng kiến thấy cảnh tượng một con rắn nâu miền đông tử chiến với con rắn hổ. Trận chiến kịch tính này diễn ra ngay trong sân nhà của bà Williams.
Xem video:
Tung đòn hiểm ác, rắn nâu tử chiến rắn hổ. Nguồn: Liz Williams/Facebook
Quan sát đoạn video có thể thấy, sau khi chiếm ưu thế, con rắn nâu miền đông đã hung hăng dùng răng nanh để cắn mạnh vào sọ rắn hổ. Pha tấn công này khiến cho đối thủ của nó bị choáng và không thể phản kháng. Con rắn nâu nhanh chóng quấn chặt lấy đối thủ.
Tuy nhiên, điều bất ngờ chính là sau khi hạ gục rắn hổ, con rắn nâu quyết định nuốt chửng "kỳ phùng địch thủ" của nó.
Rắn nâu cắn mạnh vào sọ của rắn hổ khiến đối thủ choáng váng. Ảnh: Liz Williams
Bà Liz Williams, chia sẻ: "Thật đáng kinh ngạc. Tôi thậm chí còn không biết hai con rắn sẽ chiến đấu như vậy, chứ chưa nói đến việc chúng ăn thịt nhau.
Sau khi cháu gái của tôi đăng video này lên Facebook, tôi nhận thấy phản ứng của mọi người từ thích thú đến sợ hãi. Khoảng hơn một nửa số người xem đoạn video nói rằng họ sẽ không đến thăm nhà chúng tôi nữa".
Dù thắng cuộc, nhưng rắn nâu miền đông lại ngậm ngùi chịu thất bại trong việc nỗ lực ăn thịt rắn hổ. Nó buộc phải nôn trả xác con mồi vì kích thước quá lớn.
Sau khi trận chiến kết thúc, Liz Williams đã gọi điện thoại cho chuyện gia bắt rắn ở địa phương để tới xử lý hai con rắn độc nguy hiểm.
Sau khi giành thế thượng phong, con rắn nâu miền đông lấy thân mình siết chặt lấy rắn hổ. Ảnh: Liz Williams
Craig Bergman, chuyên gia bắt rắn cho biết, con rắn nâu khá lớn với chiều dài là 125 cm, trong khi rắn hổ chỉ dài khoảng 100 cm. Craig đã tiến hành gắp hai con rắn độc lên và cho vào bao.
Williams cho hay, ban đầu bà nghĩ rằng rắn hổ sẽ giành chiến thắng nhưng chuyên gia Craig nói rằng rắn nâu là "kẻ săn mồi" luôn chiếm ưu thế.
Rắn nâu miền đông được coi là loài rắn cạn có nọc độc đứng thứ hai trên thế giới. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, rắn nâu miền đông sinh sống chủ yếu ở các khu vực phía tây và nam Australia. Đây được coi là loài rắn cạn độc thứ hai trên thế giới, sau loài rắn Taipan ở Australia.
Nọc độc của loài rắn nâu miền đông có thể khiến con mồi hoặc người bị tấn công nhiễm độc thần kinh, rối loạn đông máu, suy thận và tử vong trong thời gian ngắn.
Nguồn: Queenslandtimes, News.com.au