Ra tay đồng loạt và cương quyết, nhưng phương Tây sẽ hòa dịu vì không thể thiếu Nga?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nhìn về bề ngoài, dường như phương Tây và Nga hiện như thể đang ở thời chẳng khác gì thuở Chiến tranh Lạnh. Nhưng trong thực chất không hẳn hoàn toàn như vậy.

Cuộc chiến ngoại giao giữa Phương Tây và Nga

Với việc có 17 quốc gia là thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc thuộc diện đồng minh quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga, phương Tây đã chính thức phát động cuộc chiến ngoại giao với Nga, biến chuyện khúc mắc riêng giữa Anh và Nga thành chuyện chung của cả phe phương Tây với Nga.

Cho tới nay, chiêu thức trục xuất các nhà ngoại giao vì chuyện xảy ra ở nước thứ ba vốn chỉ thấy ở thời Chiến tranh Lạnh mà bản chất là đối đầu về ý thức hệ và đe doạ nhau về an ninh.

Nhìn về bề ngoài, dường như phương Tây và Nga hiện như thể đang ở thời chẳng khác gì thuở Chiến tranh Lạnh. Nhưng trong thực chất không hẳn hoàn toàn như vậy.

Theo những gì đã được các bên liên quan công bố thì Mỹ trục xuất 60 nhà ngoại giao của Nga; Canada trục xuất 7 người; ba nước Đức, Pháp và Ba Lan mỗi nước 4 người; Séc và Letoni mỗi nước 2 người; Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha và Australia mỗi nước 2 người; những nước còn lại mỗi nước 1 người; trong đó có các nước không phải thành viên EU như Na Uy, Iceland hay Ukraine.

Đáng chú ý là Mỹ gọi những nhà ngoại giao Nga bị trục xuất là "điệp viên" và Đức nhấn mạnh các nhà ngoại giao bị trục xuất "có liên quan đến hoạt động tình báo", tức là không động chạm đến những nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Mỹ và 14 nước EU đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga

Phía Nga ngay lập tức đã tuyên bố sẽ trả đũa thích đáng, nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ thật sự sòng phẳng với những nước đi đầu trong cuộc chiến này như Anh, Đức, Pháp và với Mỹ là trường hợp đặc biệt.

Lý do được các nước này đưa ra để biện minh cho quyết sách nói trên đối với Nga là để thể hiện tình đoàn kết với Anh và cũng vì Nga không sẵn sàng hợp tác điều tra làm sáng tỏ vụ việc hai bố con điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc.

Chính phủ Anh cáo buộc Nga là thủ phạm và các đối tác kia tin Anh cho dù đến nay, phía ấy chưa hoặc không chịu đưa ra bất cứ bằng chứng xác thực nào và Tổ chức Cấm Vũ khí hoá học (OPCW) chưa kết thúc công việc điều tra.

Việc họ phải biểu lộ công khai tình đoàn kết với Anh và phải ủng hộ Anh vốn không có gì lạ, nhất là khi London coi vụ việc này là cuộc tấn công nhằm vào chủ quyền và an ninh quốc gia.

Nhưng lập luận thứ hai thì thật sự không thể xác đáng mà thuần tuý mang tính chính trị. Cho nên, khi nội tình vụ việc vẫn còn mập mờ, mục đích chính của các nước này trong việc ủng hộ Anh và trục xuất các nhà ngoại giao Nga là không để Moskva tiếp tục thành công với sách lược phân hoá nội bộ EU và NATO, hạ thấp uy tín của Nga trên thế giới và gây khó hết mức để Nga không củng cố được vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới mà Nga vừa có lại được.

Nga thêm khó khăn khi bị phía bên kia gia tăng mức độ đối địch. Triển vọng về cải thiện quan hệ với phương Tây và hi vọng phương Tây chấm dứt các biện pháp trừng phạt trở nên thêm xa vời đối với Nga.

Chiến lược phản tác dụng

Nhưng khó khăn mới không phải quá nghiêm trọng bởi phương Tây cho tới nay đã gây khó rất nhiều cho Nga rồi và bởi phương Tây không chỉ có được lợi khi phát động cuộc chiến ngoại giao này với Nga.

Mỹ trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga nhất vì Mỹ không thể đứng ngoài cuộc và tổng thống Mỹ Donald Trump tận dụng chuyện này để đồng thuận với các thành viên EU và NATO cũng như để chứng tỏ trong nội bộ là "chuyện nào ra chuyện nấy" đối với Nga.

Qua đó, vô hiệu hoá những cáo buộc ở Mỹ về việc quá thiện cảm với tổng thống Nga Vladimir Putin và nhờ cậy Nga để đắc cử tổng thống.

Không phải rất đáng chú ý sao khi ông Trump gần như không biểu lộ thái độ quan điểm của cá nhân mình trong chuyện này.

Đồng thời cũng có thể thấy cái phản tác dụng đối với các nước này, cụ thể trên ba phương diện.

Thứ nhất, hiện mới có một nửa thành viên EU tham gia cuộc chiến ngoại giao với Anh và cũng chỉ với mức độ rất hạn chế. Như thế cũng đồng nghĩa với việc nội bộ phe phái này vẫn bị phân hoá sâu sắc.

EU và NATO muốn đoàn kết và thống nhất nội bộ để mạnh lên thì trên thực tế lại thêm rạn nứt nội bộ. Và cả sự khác biệt nhất định giữa Mỹ và EU cũng hàm chứa những bất lợi nhất định đối với EU và NATO.

Rủi ro lớn đối với họ là không đưa ra được bằng chứng xác thực cho những cáo buộc Nga.

Ra tay đồng loạt và cương quyết, nhưng phương Tây sẽ hòa dịu vì không thể thiếu Nga? - Ảnh 3.

Thứ hai, Nga sẽ trả đũa và vì thế các nước này cũng sẽ không thể tránh khỏi những tổn hại đáng kể. Chỉ cần Nga trả đũa với mức độ khác nhau và với biện pháp khác nhau đối với từng nước trong số kia thì sự rạn nứt nội bộ ở phía ấy sẽ càng thêm khó được khắc phục.

Thứ ba, Mỹ, NATO và EU không thể không cần Nga để giải quyết những vấn đề chính trị an ninh thời sự hiện tại của thế giới, đặc biệt là Ukraine, Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Gây khó và làm găng với Nga như thế đương nhiên không thể chờ mong là Nga sẽ sẵn sàng hợp tác hơn.

Từ đó có thể thấy các bên tuy còn làm găng với nhau nhưng đều vẫn phải luôn giữ dư địa để đi vào hoà dịu và hợp tác với nhau.

Chính phủ Anh đã có được thắng lợi ngoại giao nhất định khi liên thủ được với đồng minh và đối tác nhằm chống Nga nhưng rõ ràng liên thủ này chỉ là nhất thời.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Ra tay đồng loạt và cương quyết, nhưng phương Tây sẽ hòa dịu vì không thể thiếu Nga? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại