Ra mắt robot thế hệ mới

Cẩm Bình |

Công ty khởi nghiệp về robot Apptronik (Mỹ) đang triển khai dự án robot xử lý những công việc 'buồn tẻ, bẩn thỉu và nguy hiểm' thay con người.

Công ty khởi nghiệp về robot Apptronik có trụ sở tại Austin (Mỹ) đang triển khai dự án robot xử lý những công việc “buồn tẻ, bẩn thỉu và nguy hiểm” thay con người. Mới đây, công ty này đã công bố thiết kế robot hình người mới nhất có tên là Apollo với chiều cao 1,7 mét và nặng 72,6 kg.

Apollo có thể nâng được vật nặng 25 kg, được thiết kế để sản xuất hàng loạt và hoạt động an toàn cùng con người. Robot này sử dụng điện thay vì thủy lực vốn không được coi là an toàn.

Nó dùng pin 4 giờ và có thể thay pin để hoạt động 22 giờ trong ngày. Apollo có bảng kỹ thuật số trên ngực cung cấp thông tin rõ ràng về thời lượng pin còn lại, nhiệm vụ đang thực hiện, thời điểm hoàn thành và công việc sẽ làm tiếp theo.

Đáng chú ý, Apollo cũng có khuôn mặt và những chuyển động có chủ ý như quay đầu để báo hiệu nó sẽ đi đâu. Mục tiêu ban đầu của Apollo là hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, đảm nhận các vai trò đòi hỏi thể chất bên trong các nhà kho để cải thiện chuỗi cung ứng, giải quyết tình trạng thiếu lao động. Tuy nhiên, Apptronik có tầm nhìn dài hạn cho Apollo ít nhất là trong thập kỷ tới.

Jeff Cardenas - đồng sáng lập và CEO của Apptronik cho biết, mục tiêu của Apptronik là chế tạo những robot đa năng làm tất cả những việc mà con người không muốn làm trên Trái đất và một ngày nào đó chúng sẽ khám phá Mặt trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa.

Thiết kế hình người

Trước khi thành lập Apptronik năm 2016, các thành viên của công ty đã làm việc trong Phòng thí nghiệm Robot lấy con người làm trung tâm tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ).

Ông Cardenas cho biết trọng tâm của phòng thí nghiệm là về cách con người và robot tương tác trong tương lai. Nguồn tài nguyên quý giá nhất của con người là thời gian và nó có hạn. Với tư cách là người chế tạo công cụ, giờ đây Apptronik có thể xây dựng cho mình những công cụ giúp con người có thêm thời gian.

Khi ở phòng thí nghiệm Đại học Texas, họ đã được chọn để làm việc với robot của NASA có tên Valkyrie. Cao 1,9 mét và nặng 136 kg, Valkyrie là robot hình người 2 chân có khả năng thao tác và đi lại khéo léo, mang vật phẩm và mở cửa, theo Shaun Azimi - trưởng nhóm chế tạo robot khéo léo tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston.

Robot điện này đã được sửa đổi và cải tiến kể từ khi ra mắt lần đầu năm 2013. Hiện nó được thử nghiệm làm người giám sát từ xa các cơ sở năng lượng chưa có người và ngoài khơi ở Australia.

Nguồn gốc của Apollo là từ thiết kế của Valkyrie. Apptronik đã dành nhiều năm để chế tạo các robot và bộ phận độc đáo, trong đó đỉnh cao là một hình người có thể hoạt động trong môi trường được thiết kế cho con người.

Các robot trong dây chuyền lắp ráp thường được bắt vít xuống đất hoặc cắm vào tường và chỉ có thể hoạt động trong những không gian được thiết kế dành riêng cho chúng. Theo ông Cardenas, thay vì những robot có chuyên môn cao chỉ có thể phục vụ một mục đích, Apptronik muốn Apollo trở thành “iPhone của robot”.

Mục tiêu của Apptronik là chế tạo một robot có thể làm hàng nghìn việc khác nhau. Đó là một bản cập nhật phần mềm giúp thực hiện một nhiệm vụ mới hoặc một hành vi mới. Cuối cùng, Apollo sẽ có giá thấp hơn giá một chiếc ô tô thông thường. Robot truyền thống dựa vào các bộ phận có độ chính xác cao.

Tuy nhiên, sự ra đời của máy ảnh và hệ thống trí tuệ nhân tạo đã cho phép phát triển robot ít phụ thuộc vào việc lập trình trước, thay vào đó phản ứng nhanh hơn với môi trường của chúng. Điều đó có nghĩa là các bộ phận được sử dụng trong sản xuất có giá cả phải chăng hơn, ông Cardenas cho biết.

Năm nay, Apptronik tập trung vào việc gây ấn tượng với các khách hàng thương mại và nhà sản xuất quan tâm đến cách Apollo có thể cải thiện hoạt động hậu cần của họ. Công ty đặt mục tiêu sản xuất thương mại đầy đủ vào cuối năm 2024.

Ra mắt robot thế hệ mới - Ảnh 3.

Apollo là robot hình người mới nhất của Apptronik. Ảnh: Apptronik

Di chuyển như một con người

Trọng tâm thiết kế của Apollo là bộ truyền động, còn gọi là cơ robot. Các kỹ sư của Apptronik đã nghiên cứu hơn 35 lần lặp lại các bộ truyền động cốt lõi cho phép Apollo đi lại, uốn cong cánh tay và nắm bắt các vật thể như con người.

Tiến sĩ Nick Paine, đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của Apptronik cho biết, con người có khoảng 300 cơ trong cơ thể. Mục tiêu của các kỹ sư tại Apptronik là đơn giản hóa sự phức tạp, vì vậy, robot Apollo có khoảng 30 nhóm cơ khác nhau bên trong hệ thống để thực hiện các hành động và hoạt động cơ bản.

Đầu của Apollo chứa một camera nhận biết, trong khi đó các cảm biến trên thân giúp robot lập bản đồ góc nhìn 360 độ về môi trường và xác định nơi nó có thể di chuyển. “Bộ não” hay máy tính chính của robot cũng nằm trong ngực của nó.

Các cảm biến giúp robot giữ được định hướng khi đi qua hoặc xung quanh chướng ngại vật. Kiểu vận động này sẽ là chìa khóa khi Apollo tiến vào những môi trường không chắc chắn hơn, như ngoài trời và một ngày nào đó thậm chí là bề mặt của Mặt trăng.

Lợi ích của việc sử dụng robot hình người như Apollo trong không gian là giúp xây dựng và thử nghiệm các môi trường được thiết kế dành cho con người - như môi trường sống trên Mặt trăng và sao Hỏa - trước khi các phi hành gia đến.

Cuối cùng, Apollo sẽ tự chủ, nhưng các kỹ sư ở Apptronik vẫn muốn có một mức độ kiểm soát nào đó đối với những gì robot sẽ làm. Ông Cardenas cho biết mặc dù bộ điều khiển trước tiên sẽ hoạt động thông qua máy tính bảng hoặc thiết bị thông minh, nhưng trong tương lai, con người có thể đến gần Apollo và ra lệnh cho nó phải làm gì.

Apollo sẽ “khởi nghiệp” tại nhà máy và nhà kho, thực hiện các công việc đơn giản, chẳng hạn như di chuyển hộp và đẩy xe đẩy xung quanh. Tuy nhiên, theo thời gian, chức năng của Apollo sẽ tăng lên thông qua các mẫu và bản cập nhật mới đến mức nó có thể được sử dụng trong xây dựng, sản xuất thiết bị điện tử, không gian bán lẻ, giao hàng tận nhà và thậm chí chăm sóc người già.

Theo CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại