Ra đồng phòng trừ sâu keo mùa thu

MẠNH LÊ TRÂM |

Từ sau Tết đến nay, sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại bắp non tại huyện Sông Hinh, Tuy An và Phú Hòa. Cây bắp nếu đã bị sâu này gây hại thì rất khó phục hồi, vì chúng thường cắn đứt ngọn. Nông dân các địa phương đang tập trung ra đồng phòng trừ sâu keo mùa thu hại bắp.

Từ sau Tết đến nay, sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại bắp non tại huyện Sông Hinh, Tuy An và Phú Hòa. Cây bắp nếu đã bị sâu này gây hại thì rất khó phục hồi, vì chúng thường cắn đứt ngọn. Nông dân các địa phương đang tập trung ra đồng phòng trừ sâu keo mùa thu hại bắp.

“Kẻ hủy diệt” cây trồng

Trên cánh đồng bắp ven sông Cái thuộc xã An Định (huyện Tuy An), nông dân ra đồng cày xới đất, phun thuốc trừ sâu keo mùa thu.

Ông Bùi Văn Minh ở xã An Định cho biết: Vui ba bữa Tết xong nông dân ở đây ra đồng chăm sóc, phòng trừ sâu keo mùa thu. Con sâu này thường nằm dưới nách lá, chui vô giữa vòi sen cắn cụt đọt.

Buổi sáng nó chui xuống đất nấp dưới đó, muốn phun thuốc diệt trừ phải dùng cày tay (loại cày độ bánh bằng vành xe đạp), xới đất cục lên rồi phun mới trừ được.

Cạnh đó, bà Huỳnh Thị Thanh Cúc vãi phân đám bắp, chia sẻ: Vùng này nông dân trồng bắp tháng 3 là vụ chính (thu hoạch tháng 3 âm lịch).

Trước Tết xuống giống gieo bắp, đến nay bắp ra 3-5 lá non thì sâu keo mùa thu cắn phá, nông dân phải phun thuốc trừ. Kinh nghiệm năm trước, khi sâu keo mùa thu xuất hiện cắn phá bắp ra 6-7 lá thì việc phun trừ hiệu quả, còn để bắp lớn gần trổ cờ thì khó tiêu diệt loại sâu này.

Cũng theo bà Cúc, vùng đất ven sông Cái này là đất phù sa “ưa” cây bắp. Tuy nhiên vụ này sâu keo mùa thu cắn nát đọt bắp, nông dân rất lo lắng. “Trước đây gia đình tôi có đám bắp bị sâu keo mùa thu tấn công, ăn như bò cắn trụi lá, tôi đành phá bỏ, gieo đậu xanh”, bà Cúc cho biết thêm.

Qua kiểm tra, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An ghi nhận sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại 8ha.

“Sâu keo mùa thu là loại sâu đa thực (ăn nhiều loại cây trồng), được xem là “kẻ hủy diệt” cây trồng. Khi phát hiện sâu keo mùa thu, trạm tổ chức đi thực tế hướng dẫn nông dân phòng trừ”, ông Nguyễn Tuấn Luân, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tuy An nói.

Ngăn chặn lây lan

Tại huyện Sông Hinh, ngành Nông nghiệp ghi nhận sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại 0,1ha. Còn vùng trồng bắp dọc sông Ba thuộc xã Hòa An (huyện Phú Hòa), sâu keo mùa thu gây hại 0,5ha.

Ông Phan Văn Kim, nông dân trồng bắp ở xã Hòa An cho hay: Tôi trồng 2 sào bắp lai, sâu xuất hiện cắn nát đọt. Loại sâu này phun thuốc khó chết vì ban đêm nó ra ăn lá, ban ngày chui vô nách lá nằm nên khi phun thuốc khó ướt đến. Tôi phun 2 lần thuốc liên tiếp trong 4 ngày, sâu có giảm nhưng vẫn còn cắn phá, vạch trong lá thấy có trứng sâu.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất mạnh, một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây bắp trong vài ngày. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây với mật độ từ 4-8 con/m2.

Thống kê của Sở NN-PTNT, đến nay nông dân trong tỉnh trồng 240ha bắp, giai đoạn nảy mầm ra lá non. Theo kế hoạch, năm nay nông dân trồng 6.000ha bắp, năng suất 47,3 tạ/ha, sản lượng 25.021 tấn. Xu hướng sản xuất đang phát triển mạnh bắp ăn tươi và bắp sinh khối với các giống bắp lai MAX68, HN88, NK88, ADI601…

Diện tích trồng bắp thì nông dân chuyển đổi đất trồng lúa bấp bênh sang cây trồng cạn mang lại thu hoạch cao cho nông dân.

Gần đây, ngành Nông nghiệp tiến hành khảo nghiệm các giống bắp lai phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 1,4ha, tại huyện Tây Hòa, gồm bắp HN88, Gold99 và Nếp lai 601.

Kết quả vụ đông xuân 2020, giống Gold99 cho năng suất tươi cao nhất 17,5 tấn/ha; vụ hè thu 2020 giống HN88 cho năng suất tươi cao nhất đạt 19,2 tấn/ha, giống Gold99 cho năng suất tươi 18,7 tấn/ha.

Hiện nay, sâu keo xuất hiện gây hại bắp nếu không phòng trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, Sở NN-PTNT yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương tăng cường điều tra phát hiện sâu keo mùa thu, qua đó thông tin cho nông dân biết về tác hại và hướng dẫn biện pháp quản lý sâu hại.

Thời gian qua, sâu keo mùa thu tập trung gây hại tại các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Sông Hinh, TX Đông Hòa. Dự báo trong thời gian đến, sâu keo mùa thu tiếp tục phát sinh gây hại cây bắp trên diện rộng, nguy cơ làm giảm năng suất và sản lượng nếu không phòng trừ kịp thời.

Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường điều tra phát hiện sớm sâu keo mùa thu hại bắp, hướng dẫn áp dụng các biện pháp phòng trừ, tiêu diệt nhanh, ngăn chặn sự lây lan gây hại.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại