Quyết tâm "cai nghiện", châu Âu lần đầu xem xét áp lệnh trừng phạt với mặt hàng quan trọng này của Nga

Khánh Minh |

Liên minh châu Âu bắt đầu cuộc đàm phán về vòng trừng phạt tiếp theo đối với Nga và lần đầu tiên nhắm vào mặt hàng quan trọng của nước này.

Quyết tâm

Đề xuất trên bàn đàm phán này đã đánh dấu lần đầu tiên phá vỡ điều cấm kỵ bấy lâu nay ở Brussels, vì khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trước giờ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ Ba Lan, các nước Baltic, Bắc Âu, đặc biệt là Ukraine.

Tuy nhiên, kế hoạch do Ủy ban châu Âu thiết kế không đạt được đến mức cấm nhập khẩu toàn bộ như khối này đã làm trước đây với than đá và dầu mỏ của Nga.

Thay vào đó, mục tiêu của châu lục là sẽ cấm vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, tức là cấm tái xuất khẩu LNG từ các cảng của EU sang các quốc gia khác.

Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức độc lập theo dõi nhiên liệu hóa thạch của Nga, ước tính khối này đã trả 8,2 tỷ euro vào năm ngoái để mua 20 tỷ mét khối (bcm) LNG của Nga, chiếm 5% tổng lượng tiêu thụ khí đốt. Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha là những khách hàng nhập khẩu chính.

CREA cho biết, khoảng 22% nguồn cung này được vận chuyển khắp toàn cầu, với 8% được gửi đến các quốc gia thành viên khác, trong khi phần còn lại đến Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các khách hàng khác.

Điều này phản ánh vai trò quan trọng của các công ty phương Tây trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa và dịch vụ vận chuyển: năm ngoái, ngành hàng hải của các nước G7 đã xử lý 93% lượng xuất khẩu LNG của Nga - một ngành vận tải trị giá tới 15,5 tỷ euro.

Dự thảo lệnh trừng phạt đã được gửi tới các quốc gia thành viên EU trong ngày 10/5. Theo Reuters, EU cũng đang hướng mục tiêu trừng phạt 3 dự án LNG hiện vẫn chưa đi vào hoạt động là Arctic LNG 2, Ust Luga và Murmansk.

Quyết tâm

Liên minh Châu Âu tăng nhập khẩu LNG của Nga trong năm 2023.

Nga luồn lách các hạn chế bất chấp lệnh cấm vận của EU

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã tỏ ra khéo léo né tránh hạn chế này, thông qua việc bán dầu Urals với mức giá từ 70 USD đến 80 USD/ thùng, cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 và Australia đã áp đặt đối với dầu mỏ của Nga.

Nga cũng bất chấp triển khai các "hạm đội bóng tối" - gồm các đội tàu chở dầu cỡ nhỏ, cũ kỹ, không có bảo hiểm cấp phương Tây, khiến chúng càng khó bị phát hiện.

Do đó, việc cấm vận đội tàu này cũng nằm trong đợt trừng phạt mới nhất của EU, mà theo như một nhà ngoại giao mô tả là ảnh hưởng “khá đáng kể" khi nó cũng bao trùm lên các lĩnh vực kinh tế khác.

Các đại sứ đã có một cuộc thảo luận ban đầu vào ngày 8/5 nhưng sẽ mất vài tuần trước khi 27 quốc gia đi đến thỏa thuận cuối cùng. Các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng được cho là vô cùng nhạy cảm và trong quá khứ đã từng xảy ra các cuộc thảo luận kéo dài và chỉ đạt được nhượng bộ vào phút chót.

Nếu biện pháp trừng phạt lần này được phê duyệt, đây sẽ được coi là gói trừng phạt thứ 14 của EU đối với Nga kể từ tháng 2 năm 2022.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại