Các chủ quán nói gì về việc phải tăng giá dịp Tết?
Có lẽ mỗi lần rút ví để chi trả phí dịch vụ đắt đỏ hơn ngày thường dịp sau Tết, người tiêu dùng sẽ không khỏi băn khoăn vì sao người bán hàng lại "đón Tết" lâu đến thế? Khi cả TP đã trở về quỹ đạo làm việc bình thường thì chỉ riêng họ, cứ níu giữ mãi lý do "Tết mà" để nhích giá bán lên từng nghìn lẻ.
Hai lý do đầu tiên được nhiều chủ quán đưa ra là nâng giá để bù đắp lương nhân viên và giá nguyên liệu tăng cao gấp 2-3 lần dịp Tết.
Đến mùng 10 Tết, khi đi ăn ở nhiều quán, nhiều khách hàng vẫn bất ngờ khi thấy giá cả vẫn chưa chịu hạ.
Ở một quán phở bò, cơm rang nhỏ trên phố Thụy Khuê, sau ngày mùng 10, giá bán các loại đồ ăn ở đây mới trở về bình thường. Suốt 5-6 ngày sau nghỉ Tết, mỗi suất ăn ở đây đều "nhảy giá" thêm 5.000 đồng so với bình thường. Khi được hỏi, chủ quán chia sẻ rằng việc tăng giá là để bù đắp lương cho nhân viên và chi trả chi phí nguyên liệu đắt đỏ.
Dọc tuyến phố Hồ Hoàn Kiếm, nhiều chủ quán cũng cho biết lý do họ tăng giá là dịp Tết là do chi phí nhân công quá cao. Bà Sinh (chủ một hiệu nộm bò khô) ở đây chia sẻ, thời gian nghỉ lễ, bà phải chi trả 500.000 đồng/ 1 người/ 1 ngày làm việc. Con số này cao hơn khoảng 2-3 lần so với ngày thường.
Bà Sinh cho biết, lý do tăng giá đến mùng 10 là vì nguyên liệu chưa hạ và không dán thông báo vì khách hàng đều biết cả rồi.
Dù lương nhân viên chỉ nhân đôi, nhân ba trong thời gian nghỉ lễ nhưng giá bán đồ ăn cách đó cả gần tuần trời vẫn không thể hạ về mức cũ. Nói về điều này, bà Sinh chỉ cho biết thêm rằng: "Vì giá nguyên liệu vẫn chưa hạ".
Trong khi đó, ông Doanh, chủ quán cơm rang dưa bò lại đưa ra lý do rằng, dịp Tết, chi phí nguyên liệu đầu vào, nhân công tăng lên quá cao nên những cửa hàng nhỏ như của ông, cần thêm thời gian để cân bằng. "Mọi thứ đều đắt đỏ mà mình tăng có 5.000 đồng/ 1 món là rất cố gắng rồi. Vì thế chưa thể hạ ngay mà cần có thêm ít thời gian để cân bằng thu chi".
Đi ăn, uống dịp sau Tết, nhiều khách hàng vẫn phải dè chừng vì rất có thể, họ sẽ vẫn bị thu giá cao hơn bình thường.
Trong khi dịp Tết, ông Doanh khẳng định có làm riêng bảng menu giá mới để thông báo đến khách hàng thì chuyện tăng giá ở quán nộm của bà Sinh lại diễn ra lặng lẽ. "Nhưng mình tăng nhẹ mà mấy năm nay, khách quen đều biết cả nên có gì lạ đâu", bà Sinh chia sẻ.
Nói về chuyện sau Tết, món bún nước ở một hàng vỉa hè trên phố cổ bỗng dưng "nhỉnh" thêm 5.000 đồng, chủ quán ở đây chỉ chia sẻ rằng, sang năm mới, thứ gì cũng tăng nên bát bún cũng phải tăng để đảm bảo chuyện kinh doanh của quán.
Trong khi nhiều quán tăng giá thì vẫn có nhiều quán phục vụ xuyên Tết với bảng menu giá khá "mềm".
Mỗi chủ quán đều có những câu trả lời rất hợp lý, giải thích cho việc tăng giá hàng hóa, dịch vụ cả tuần trời sau Tết nhưng rõ ràng ở phía người tiêu dùng, họ chỉ biết rằng Tết đã hết từ lâu và điều đầu tiên họ mong chờ là giá cả sẽ bình ổn trở lại.
Trong khi thu nhập của người lao động không tăng, chuyện giá cả "xuống thang" sẽ giúp cuộc sống của họ sớm ổn định. Không chỉ tiết kiệm được hầu bao mà tâm lý cũng bớt ám ảnh hơn mỗi khi định chi tiêu cho việc gì đó.
Không tăng giá, nâng cao chất lượng dịch vụ mới là cách làm thông minh
Trong khi rất nhiều hàng quán rục rịch tăng giá từ trước Tết và kéo dài chuyện này đến cả 1 tuần sau Tết thì rất nhiều tiêu thương, ngay từ dịp trong Tết, họ vẫn luôn giữ nguyên giá bán.
Bà Vân (chủ quán phở Thìn ven hồ Hoàn Kiếm) tâm sự, trước kia, dịp Tết đến, gia đình bà cũng tăng nhẹ giá bán nhưng từ 4 năm nay, chuyện này đã không còn xảy ra. "Lương nhân viên tôi vẫn gấp đôi, gấp 3, nguyên liệu đầu vào vẫn đắt nhưng mình chấp nhận "lấy công làm lãi" để giữ chân khách quen".
Đã 4 năm qua, bà Vân không nghĩ đến chuyện tăng giá phở dịp Tết.
Bát phở dịp Tết vẫn đầy đặn và giá bán như cũ.
Nghỉ Tết từ 30 đến hết ngày mùng 3 nhưng khi mở cửa trở lại vào ngày mùng 4, hệ thống Quán ăn ngon tại Hà Nội vẫn quyết định mở chiến dịch khuyến mại đầu năm cho khách hàng. "Dù lương nhân viên bên mình 2 ngày nghỉ lễ vẫn nhân gấp 3 lần, rau củ ngày Tết đều đắt hơn nhưng bọn mình vẫn làm khuyến mại để tri ân khách hàng", chị Hương, phụ trách Marketing của thương hiệu này chia sẻ.
Dịp Tết, thương hiệu của công ty chị Hương rất đông khách nhưng không vì thế mà chuỗi cửa hàng này thực hiện chuyện tăng giá đồ ăn. Ảnh: NVCC.
Theo chị Hương, trong khi rất nhiều hàng quán tăng giá, giảm chất lượng phục vụ dịp Tết thì đây chính là lúc để thương hiệu công ty chị "thể hiện bản thân". "Thật ra nếu không bỏ tiền bù lỗ cho 2 ngày mở cửa đầu năm thì bọn mình cũng sẽ dùng nó cho việc đẩy mạnh truyền thông. So với các hình thức quảng cáo khác thì đây chẳng phải là cách làm marketing thú vị hơn sao? Vừa làm quảng bá hình ảnh, vừa đme lại lợi ích thiết thực cho khách hàng".
Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Hoàng Sơn (chủ chuỗi cửa hàng kem Yogen Fruz tại Hà Nội) tâm sự, với phương châm ưu tiên lợi ích của khách hàng nên suốt kì nghỉ Tết, các cửa hàng của anh đều không tăng giá. "Mình chấp nhận chịu thiệt một chút nhưng cái mình đổi lại lớn hơn nhiều, đó là giá trị thương hiệu trong lòng khách hàng".
Bảng giá các loại kem của Yogen Fruz trước, trong và sau Tết vẫn giữ nguyên như cũ.