Bị tăng giá cước gần gấp đôi, khách hàng còn chọn Grabbike?

Hồ Phượng |

Tại một số thời điểm giá cước mỗi chuyến đi của Grabbike có xu hướng tăng gần gấp đôi so với bình thường, khiến khách hàng không hài lòng.

Nhờ cơ chế cước linh hoạt siêu rẻ, Grabbike dần trở thành loại hình vận tải cá nhân được ưa thích vượt xe ôm truyền thống. Cước phí được tính toán thông qua quãng đường di chuyển trên bản đồ tích hợp, giá cước mỗi chuyến đi được Grabbike hiển thị công khai trên ứng dụng với mức tính khác nhau tại từng khu vực.

Đối với khu vực Hà Nội, khách hàng chỉ phải chi trả 11.000 đồng cho 2km đầu tiên và 3.800 đồng cho các km tiếp theo. Tại TP.HCM, mức tính cho 2km đầu tiên là 12.000 đồng và 3.800 đồng cho các km sau đó. Tuy nhiên, trong khung giờ từ 23h đến 5h sáng và tại một số khu vực, Grabbike áp dụng tính thêm phí phụ thu 10.000 đồng cho một cuốc xe.

Chưa dừng lại ở đó, ứng dụng gọi xem ôm này còn áp dụng cơ chế tính giá linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày. Huyền, sinh viên năm 3, Đại học Luật Hà Nội là một trong những khách hàng thân thiết của Grabbike. Tuy nhiên, cô gái trẻ này tỏ ra khó hiểu khi một số chuyến xe cô đặt có hiện tượng bị tăng giá.

"Tôi bắt đầu sử dụng dịch vụ Grabbike từ tháng 4 năm ngoái. Thỉnh thoảng tôi nhận thấy giá cước một số chuyến xe tăng lên gần gấp đôi so với bình thường".

Không tìm được lời giải thích từ cánh lái xe, Huyền gọi điện lên tổng đài của Grabbike và nhận được câu trả lời cơ chế tăng giá này đã được thực hiện trên toàn hệ thống ngay từ khi ứng dụng ra mắt, nhưng thời gian đầu ít khách phải chịu mức phí cao này do "xe nhiều, khách ít".

Theo phía Grab, vào một số thời điểm tại các khu vực có mật độ tài xế đang thưa nhưng nhu cầu đi lại của hành khách cao, thì giá cước mỗi chuyến đi sẽ được tăng lên so với mức giá thường. Sự ra đời của cơ chế này nhằm mục đích điều chỉnh mật độ phân bố của các tài xế Grabbike.

Cường, 23 tuổi, một tài xế của Grabbike cho biết cơ chế tính giá theo mật độ lái xe mang lại thu nhập tốt cho những người hoạt động liên tục, dù quãng đường di chuyển để đón khách xa hơn nhiều so với bình thường.

"Tại một số thời điểm, tôi nhận được sự điều chuyển sang khu vực khác để hỗ trợ đồng nghiệp vì nhu cầu đi lại của khách hàng cao mà số lượng tài xế không đủ đáp ứng. Mặc dù phải di chuyển một quãng đường xa nhưng vì được giá nên tôi vẫn nhận".

Riêng với các khách hàng, họ chấp nhận hỗ trợ thêm cho tài xế trong những thời điểm thời tiết không thuận lợi, hay giao thông khó khăn. Nhưng vì không thể nắm chắc được việc khu vực của mình có chính xác là nơi có mật độ lái xe thấp như Grab giải thích, nên nhiều khách hàng không hài lòng với cơ chế tính giá "mà chỉ mình Grab biết rằng khách có hay không đang chịu thiệt hại".

"Nên tăng giá cước để hỗ trợ các xế trong những ngày thời tiết quá xấu hoặc nhu cầu đi lại của khách hàng tăng mạnh như dịp cuối năm. Tôi vẫn chọn Grabbike với một số chuyến xe được tính theo cơ chế linh hoạt, bởi đa phần giá cước chỉ tăng nhẹ theo hàng đơn vị.

Nhưng đôi khi có một số chuyến lại tăng gần gấp đôi so với giá thường. Lúc đó, tôi phải cân nhắc giữa Grabbike và xe ôm truyền thống", Khánh Linh, sinh viên năm 2, Đại học quốc gia Hà Nội, chia sẻ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại