Quyết không kém cạnh Mỹ, ba cường quốc châu Á hứa hẹn làm nóng cuộc đua vào không gian trong năm nay

Yến Nguyễn |

"Ấn Độ sẽ nổi lên như một đối thủ cạnh tranh với Nhật Bản lớn hơn là so với Trung Quốc".

Quyết không kém cạnh Mỹ, ba cường quốc châu Á hứa hẹn làm nóng cuộc đua vào không gian trong năm nay- Ảnh 1.

Năm 2024 hứa hẹn sẽ chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động không gian từ các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sau khi SpaceX của Mỹ thống trị các tít báo về ngành hàng không vũ trụ trong năm 2023.

Công ty khởi nghiệp LandSpace Technology của Trung Quốc có kế hoạch phóng tên lửa có thể tái sử dụng vào năm 2025. Trong khi đó, Ấn Độ đặt mục tiêu bắt đầu một loạt chuyến bay thử nghiệm để chuẩn bị cho chuyến bay có phi hành vào vũ trụ đoàn cũng trong năm tới. Vào ngày 4/12/2023, Ấn Độ đã đặt ra tầm nhìn xây dựng một trạm vũ trụ vào năm 2035 và đưa người Ấn Độ đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2040.

Trong khi đó, Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành quốc gia thứ năm hạ cánh tàu vũ trụ lên mặt trăng trong tháng này. Trước đó vào 23/8/2023, Ấn Độ cho biết đã đưa thành công tàu thám hiểm Chandrayaan-3 lên quỹ đạo của Mặt Trăng.

Nhật Bản có lịch sử lâu đời về phát triển không gian. Năm 1970, nước này là quốc gia thứ tư đưa vệ tinh vào quỹ đạo sau Liên Xô, Mỹ và Pháp. Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng lớn.

Shogo Yakame, cố vấn kinh doanh tại Viện nghiên cứu Nomura, bày tỏ niềm tin rằng Ấn Độ sẽ nổi lên như một đối thủ cạnh tranh với Nhật Bản lớn hơn là so với Trung Quốc.

Để thể hiện sức mạnh công nghệ của mình, Nhật Bản sẽ thử lần đầu tiên trên thế giới hạ cánh “chính xác” lên bề mặt mặt trăng vào ngày 20/1.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi SpaceX phóng gần 100 tên lửa vào năm 2023, nâng hoạt động thương mại không gian lên một tầm cao mới. Vào ngày 2/11 năm ngoái, ông chủ của SpaceX là Elon Musk cho biết dịch vụ điện thoại vệ tinh Starlink của công ty đã đạt được hòa vốn. Dịch vụ này dựa trên một chùm gồm hơn 5.500 vệ tinh và cung cấp kết nối băng thông rộng ở mọi nơi trên Trái đất.

Vào ngày 15/2, Nhật Bản sẽ phóng tên lửa thế hệ tiếp theo mang tên H3 – thứ mà họ hy vọng có thể cạnh tranh với Falcon 9 của SpaceX, sau khi thất bại với chuyến bay đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái do sự cố điện tử. MHI – nhà thầu chế tạo H3, cho biết tên lửa này phải tương đương với Falcon 9 ít nhất là về mặt chi phí, nếu không muốn nói là về tần suất sử dụng. Hiện tại, MHI dự kiến phóng sáu lần mỗi năm.

Không giống như Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc, Nhật Bản không có đủ nguồn tài chính để tự mình thực hiện các sứ mệnh không gian lớn. Phát triển công nghệ và các quan hệ đối tác là chiến lược chính của nước này.

Trong lĩnh vực phóng tên lửa, một trong những trọng tâm là khả năng tái sử dụng – một phương pháp tiếp cận do SpaceX tiên phong. Công ty đã phóng thành công tên lửa đẩy vào năm 2015 và phóng tên lửa đẩy có thể tái chế vào năm 2017. SpaceX hiện là nhà khai thác thương mại duy nhất sử dụng tên lửa tái sử dụng. Nhưng LandSpace của Trung Quốc cho biết họ sẽ phóng tên lửa tái sử dụng vào năm 2025 sau khi phóng vệ tinh bằng tên lửa tái sử dụng thành công lần đầu tiên vào tháng 12/2023.

Tên lửa LandSpace sẽ sử dụng khí mê-tan làm nhiên liệu giống như Starship. Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và MHI cũng đang phát triển một tên lửa chạy bằng mêtan để có thể phóng vào khoảng năm 2030.

Vào tháng 5, Trung Quốc đã công bố tầm nhìn đưa phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030. Murakami, nhà tư vấn vũ trụ cho biết: “Việc đưa con người lên mặt trăng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và Trung Quốc đang thực hiện từng bước một”.

Tham khảo: Nikkei

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại