Sắc lệnh mới sẽ chấm dứt sự tồn tại của một trong những 1 tục lệ lâu đời nhất, mang tính phân biệt đối xử với phụ nữ ở vương quốc Hồi giáo này.
Reuters cho hay, trong những năm qua Saudi Arabia đã chứng kiến sự cải thiện lớn trong vấn đề bình đẳng giới, khi thực thi những kế hoạch nâng cao vai trò phụ nữ trong cộng đồng, đặc biệt trong lực lượng lao động. Nhưng Saudi vẫn bị chỉ trích khi là đất nước duy nhất trên thế giới còn cấm phụ nữ lái xe ô tô.
Theo Cơ quan thông tấn quốc gia Saudi Arabia (SPA), sắc lệnh của vua Salman sẽ có hiệu lực từ ngày 24/6/2018, và cần thành lập 1 bộ chịu trách nhiệm vấn đề này. Tất nhiên, sắc lệnh vẫn phải tuân thủ các quy định của luật hồi giáo Sharia. Điều đó có nghĩa nó cần nhận được sự chấp thuận của đa số thành viên Hội đồng giáo sĩ cao cấp.
Chỉ 1 tiếng sau thông báo chính thức từ chính phủ, Đại sứ Saudi tại Mỹ, Hoàng tử Khaled bin Salman vui mừng tuyên bố, "Đây là 1 ngày trọng đại trong lịch sử Saudi Arabia. Tôi nghĩ rằng đức vua hiểu rằng xã hội đã sẵn sàng tiếp nhận sự thay đổi có tính bước ngoặt và đây là quyết định đúng đắn tại thời điểm này".
Cộng đồng thế giới nhanh chóng khen ngợi quyết định của Riyadh. Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh động thái này "là bước đi đúng hướng".
Quốc vương Salman của Saudi Arabia (Ảnh: SPA)
Những quan điểm bảo thủ
Tại Saudi Arabia, phụ nữ đi ra ngoài bắt buộc phải có nam giới đi cùng và cần phải có sự chấp thuận đối với các vấn đề bao gồm học hành, công việc, hôn nhân, du lịch và thậm chí cả việc chữa bệnh. Phụ nữ thường phải mặc quần áo dài phủ kín từ đầu đến chân và đội khăn.
Theo hoàng tử Khaled, hiện phụ nữ nước này không được phép sở hữu bằng lái xe, hoặc ngồi cùng xe ô tô hay lái xe ở bất cứ nơi nào, bao gồm tại thánh địa Medina và Mecca. Tuy nhiên, phụ nữ có bằng lái từ các nước thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vẫn sẽ được phép lái xe tại Saudi.
Vị thế của phụ nữ Saudi dần được cải thiện dưới thời Quốc vương quá cố Abdullah. Kể từ vua Salman nắm quyền cách đây 2 năm, đất nước này đã tạo ra ngày càng nhiều cơ hội phát triển cho phụ nữ thông qua các chương trình cải cách của chính phủ.
Tuy vậy, sắc lệnh mới cũng không tránh khỏi sự phản đối của các giáo sĩ bảo thủ. Một số người coi nó là "sự biến thái của luật Sharia". Một số giáo sĩ cực đoan dòng Sunni nói rằng việc cho phép phụ nữ lái xe ô tô sẽ khiến họ giao lưu với những người đàn ông lạ mặt, và như thế là vi phạm luật cấm giao lưu giữa 2 giới.
Hoàng tử Khaled cho biết, quy định này không chỉ có ý nghĩa thay đổi lớn về mặt xã hội mà còn về mặt kinh tế. Vì từ nay, phụ nữ Saudi Arabia có thể tự đi làm, không cần người lái xe đưa đi nữa và giảm bớt sự phụ thuộc vào các dịch vụ đi chung xe.