“Quyền lực” ông Lê Viết Hải tại Hòa Bình sẽ thay đổi ra sao sau thương vụ phát hành thêm?

Hồng Minh |

Nếu phát hành thành công gần 252,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Hòa Bình sẽ giảm xuống dưới mức 9%, nhưng tình hình tài chính của công ty sẽ vững vàng hơn.

“Quyền lực” ông Lê Viết Hải tại Hòa Bình sẽ thay đổi ra sao sau thương vụ phát hành thêm? - Ảnh 1.

Nội dung chính:

Hòa Bình dự kiến phát hành gần 252,5 triệu cổ phiếu, thu tiền trả nợ các ngân hàng và hoán đổi công nợ với một số đối tác. Giá cổ phiếu phát hành cao hơn từ 66% đến gấp đôi mức giá hiện hành của cổ phiếu HBC. Tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch Lê Viết Hải tại công ty sẽ giảm mạnh từ mức hơn 17% hiện tại xuống dưới 9%.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố phương án phát hành gần 252,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Trong đó:

+ 220 triệu cổ phiếu phát hành cho hai đối tác chiến lược với mức giá 12.000 - 14.500 đồng/cổ phiếu, thu về dự kiến từ 2.640 tỷ đồng đến 3.190 tỷ đồng để thanh toán nợ vay ngân hàng.

+ 32,5 triệu cổ phiếu cấn trừ công nợ tương đương số công nợ được cấn trừ là 325 tỷ đồng theo mệnh giá.

“Quyền lực” Chủ tịch Lê Viết Hải bị suy giảm

Căn cứ vào số lượng cổ phiếu Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải trực tiếp nắm giữ (gần 47 triệu đơn vị) - tỷ lệ sở hữu của ông Hải sẽ giảm đáng kể khi công ty phát hành một lượng cổ phiếu khổng lồ (tương đương 92% lượng cổ phiếu đang lưu hành).

Nói một cách dễ hiểu, tỷ lệ sở hữu của ông Hải cũng như các cổ đông hiện hữu sau khi phát hành riêng lẻ sẽ bị pha loãng 92%.

Với cá nhân ông Hải, từ tỷ lệ nắm giữ 17,1% cổ phần hiện tại, sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của ông tại Hòa Bình chỉ còn 8,9%. Tỷ lệ sở hữu giảm có thể khiến “quyền lực” của người đứng đầu Hòa Bình suy giảm tương ứng - đặc biệt khi cổ đông mới không phải là tổ chức liên quan đến cá nhân ông.

Trong phương án phát hành được trình bày, sẽ có hai tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu Hòa Bình, qua đó nắm giữ 41,8% cổ phần công ty. Các tổ chức này sẽ là đối trọng đáng kể tại Hòa Bình, có tiếng nói đáng kể tại công ty. Không ngoại trừ khả năng họ sẽ cử một số cá nhân vào HĐQT Hòa Bình.

Tính đến cuối quý II/2023, HĐQT Hòa Bình có 6 người trong đó hai người trong gia đình ông Hải (là ông Hải và con trai Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HĐQT), 4 người còn lại từ các nhóm cổ đông khác.

Việc đề cử thêm thành viên HĐQT, nếu có, sẽ được tiến hành sau một cuộc họp ĐHĐCĐ hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Nhưng dù bằng cách nào, khi thêm “người ngoài” - quyền lực của ông Lê Viết Hải cũng sẽ bị suy giảm tại HĐQT công ty.

Theo quy định, hầu hết các quyết định tại HĐQT sẽ được tính theo số người đồng thuận, quyết định theo đa số.

Tình hình tài chính được cải thiện

Hai nhà đầu tư nước ngoài mua 220 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ có thể là những nhà đầu tư liên quan đến chiến lược mở rộng kinh doanh ra nước ngoài của Hòa Bình.

Primetech VN Development and Investment JSC - nhà đầu tư đồng ý mua 120 triệu cổ phiếu có thể liên quan đến Primetech Constructions - đối tác vừa ký MOU với Hòa Bình thỏa thuận trị giá trên 2,4 tỷ USD để triển khai các dự án tại Úc và Vanuatu (một quốc gia thuộc châu Đại Dương).

Trong khi đó, Tumaz and Tumaz Enterpries Ltd - đối tác đồng ý mua 100 triệu cổ phiếu đến từ Kenya, nơi chủ tịch Lê Viết Hải vừa có chuyến công tác và đánh giá thị trường có nhiều tiềm năng.

Điều đặc biệt nữa là mặc dù cổ phiếu HBC đang được giao dịch xung quanh mức giá 7.000 đồng/cổ phiếu, các đối tác nói trên đã chấp thuận mua cổ phiếu phát hành thêm với giá từ 12.000 - 14.500 đồng/cổ phiếu, tức cao hơn từ 66% đến gấp đôi thị giá.

Nói cách khác, Hòa Bình có thể bán được cổ phiếu với giá hời.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành riêng lẻ sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ gốc và lãi vay từ các ngân hàng, ước tính số tiền dao động từ 2.640 đến 3.190 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2023, Hòa Bình vay nợ 5.150 tỷ đồng và phải trả lãi vay 418 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Giảm nợ gốc và lãi vay có thể giúp tình hình tài chính của Hòa Bình trở nên “dễ thở” hơn. Ít nhất công ty giảm bớt gánh nặng nợ đến hạn, và chi phí lãi vay - khoản chi lớn thứ hai chỉ sau chi phí quản lý doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phương án phát hành gần 32,5 triệu cổ phiếu cấn trừ công nợ có thể giúp Hòa Bình giảm bớt gánh nặng nợ phải trả với các đối tác tương đương số tiền 325 tỷ đồng (tính theo mệnh giá).

Nếu phương án phát hành thành công, tình hình tài chính của Hòa Bình sẽ được cải thiện đáng kể, cho dù công ty không thực sự thu lại dòng tiền từ các thương vụ này.

Pha loãng cổ phiếu của cổ đông hiện hữu và của chính Chủ tịch HĐQT là cái giá mà Hòa Bình phải trả để công ty có thể vượt qua những khó khăn trước mắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại