Nhắc tới hậu cung của bậc đế vương Trung Hoa thời xưa, văn nhân cổ đại thường miêu tả bằng cụm từ “tam cung lục viện”, “ba ngàn mỹ nữ”.
Cũng chính bởi vì phi tần quá nhiều nên con đường của các phi tần, mỹ nữ đến với long sàng cũng gian nan hơn bao giờ hết.
Không chỉ vậy, bậc đế vương cũng phải “đau đầu”, “vắt óc suy nghĩ” để xem nên thị tẩm, lâm hạnh ai vào mỗi đêm.
Thị tẩm - “canh bạc” của cung tần mỹ nữ
Xúc xắc vốn là công cụ đánh bạc phổ biến từ thời xưa nhưng ít ai biết rằng đồ vật bé nhỏ này đã từng có thời được dùng để quyết định việc thị tẩm của bậc đế vương Trung Hoa.
Trong những năm khai nguyên dưới thời nhà Đường, do Hoàng đế không thích vì việc thị tẩm mà hao tâm tốn sức nên ông đã cho các phi tần đổ xúc sắc để quyết định người được sủng hạnh.
Thị tẩm đối với các phi tần ngày xưa giống như một canh bạc, có phúc mới được Hoàng đế lâm hạnh.
Hay vị Hoàng đế Đường Huyền Tông Lý Long Cơ lại chọn người thị tẩm bằng cách cài hoa tươi lên đầu của phi tần.
Sau đó, người hầu của nhà vua sẽ thả bươm bướm ra và nếu con bướm này đậu vào đóa hoa trên đầu ai thì người đó sẽ được Hoàng đế thị tẩm hôm đó.
Khi quá chán với trò này, Lý Long Cơ còn nghĩ ra chiêu trò “đầu tiễn đổ tẩm”. Theo đó, nhà vua ngẫu hứng ném một đồng tiền để các phi tần tranh nhau nhặt.
Ai nhặt được đồng tiền ấy sẽ may mắn được Hoàng thượng sủng hạnh một đêm.
Thị tẩm theo ngày
Trong cung cấm, các phi tần sẽ được phân theo cấp bậc và cao nhất là Hoàng hậu. Căn cứ vào từng cấp bậc mà các phi tần được hưởng bổng lộc khác nhau và cơ hội diện kiến Hoàng đế cũng khác nhau.
Vào thời Đường, thời gian các phi tần thị tẩm sẽ dựa trên một thước đo đặc biệt đó là tuần trăng.
Theo quan niệm của triều đình phong kiến Trung Hoa, thời điểm thích hợp nhất để một người phụ nữ thụ thai chính là đêm trăng lên cao và sáng nhất, bởi khi đó âm khí của người con gái sẽ đạt đến mức độ nhất định để hòa hợp với dương khí của Hoàng đế.
Nhàn Phi may mắn được thị tẩm trong một đêm trăng sáng.
Lúc này, bào thai sẽ được cho là hội tụ đủ những đức tính tốt đẹp nhất của một vị quân vương tương lai.
Chính vì vậy mà ngày 15 trăng tròn thường là ngày Hoàng đế ghé thăm cung Hoàng hậu hoặc các quý phi.
Hay cụ thể hơn, từ đêm mồng 1 đến đêm rằm, các phi tần từ bậc chính bát phẩm cho đến Hoàng hậu sẽ luân phiên thay nhau thị tẩm và sau ngày 15 thì thứ tự này sẽ được đảo ngược trở lại.
Điều này được ghi chép vô cùng tỉ mỉ trong bộ Kinh Lễ của triều đại nhà Chu (1120 - 256 TCN), trong đoạn có viết: “Tì nữ cấp bậc thấp kém hơn sẽ được ưu tiên hầu hạ trước rồi mới đến các thái phi và hoàng hậu.
Tổng số 81 cung tần được bố trí thị tẩm cùng hoàng thượng trong 9 ngày liên tiếp, mỗi ngày lần lượt một nhóm 9 người được vào.
Tiếp đến 9 ngự thiếp và 3 thái phi sẽ được hoàng thượng ân sủng theo nhóm trong một đêm, cuối cùng mới đến hoàng hậu.
Quy trình này sẽ kết thúc vào đêm trăng rằm của ngày thứ 15 trong tháng, sau đêm này tất cả sẽ được hoán đổi theo thứ tự ngược lại“.
Quấn chăn đỏ đi thị tẩm
Hậu cung của đế vương các triều đại đều có một nơi gọi là Kính Sự phòng, chuyên phụ trách ghi chép, quản lý việc thị tẩm cung tần của nhà vua.
Mỗi lần có phi tần được sủng hạnh, thái giám của Kính Sự phòng đều phải ghi chép cẩn thận ngày tháng để đối chiếu, ứng nghiệm nếu vị phi tần đấy có diễm phúc mang long thai.
Thư Phi trong Diên Hi công lược vô cùng háo hức khi được lật thẻ bài thị tẩm.
Theo quy định của Thanh triều, vào thời gian sau bữa tối của mỗi ngày, thái giám Tổng quản sẽ dâng lên cho Hoàng đế một khay đựng các khối kim bài khắc tên những phi tần trong hậu cung.
Nếu Hoàng đế muốn sủng hạnh phi tần nào sẽ lật thẻ bài có tên của người đó. Nếu không có nhã hứng thị tẩm, khay kim bài sẽ được đặt về chỗ cũ.
Trước giờ thị tẩm, phi tần đó sẽ đi tắm rửa sạch sẽ, cởi bỏ y phục, được kiểm tra kỹ lưỡng để chắc chắn không có bất cứ hung khí nào giấu trong người, rồi được quấn quanh người bằng một chiếc màu chăn đỏ.
Sau đó, các thái giám sẽ khiêng vị phi tần này đến bên long sàng của Hoàng thượng.
Lúc này, phi tần đó phải tự mình bò lên long sàng và chui vào chăn vì việc đứng quay lưng lại với Hoàng đế được coi là phạm thượng.
Sau khi lâm hạnh, họ sẽ bò giật lùi ra khỏi giường, tự cuốn mình vào chăn trước khi được thái giám đưa trở lại về cung.
Nỗi khổ thầm kín của các bậc đế vương về việc thị tẩm
Mặc dù Hoàng đế có tam cung lục viện với hàng ngàn giai lệ nhưng việc thị tẩm ai đó đôi lúc cũng khiến Hoàng đế phải khó xử.
Bởi các phi tần đều xuất thân từ danh môn, có người làm quan trong triều và nếu Hoàng đế muốn nương nhờ ai đó làm việc cho mình, ông cũng phải chiếu cố ban ân huệ cho vị phi tần đó, mặc dù trong lòng có không muốn như thế nào đi chăng nữa.
Kim bài ghi tên các vị phi tần ngày xưa.
Bên cạnh đó, Hoàng đế cũng không được độc sủng một phi tần nào đó liên tiếp trong nhiều ngày.
Bởi việc này khiến hoàng thất không thể khai chi tán diệp (không sinh được nhiều con cái) và khiến cho các phi tần khác ghen ghét, đố kị, làm loạn chốn hậu cung.
Hơn nữa, khi Hoàng đế thị tẩm, thái giám sẽ luôn túc trực phía ngoài réo liên tục để Hoàng đế biết được mà kết thúc “công việc” theo đúng quy định.
Việc này là giúp nhắc nhở Hoàng đế không nên vui chơi quá đà để đảm bảo sức khỏe.