Nguồn để lập Quỹ được trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng với các hợp đồng bảo hiểm.
Không cần thiết duy trì đồng thời cả 2 Quỹ
Sáng 22/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) . Một trong những vấn đề được thảo luận là Quỹ bảo vệ người bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành, quỹ này được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng. Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo luật có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ “là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm”. Vì vậy, cơ quan này đề nghị dừng trích nộp Quỹ này; đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư đúng mục đích ban đầu khi thành lập Qũy.
Về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ khi hình thành, hiện Quỹ có 1 nghìn tỷ và “chưa chi đồng nào”, song Bộ này vẫn muốn duy trì Quỹ này. “Ủy ban Kinh tế đề nghị bỏ Quỹ bảo vệ người bảo hiểm nhưng chúng tôi muốn giữ quỹ này”, ông Phớc giải thích, như khi thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp bảo hiểm có thể khó khăn, mất khả năng thanh toán. Khi đó, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ này để hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm.
“Như vừa rồi có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chúng ta mới thực hiện chia sẻ cho người lao động. Ở đây cũng thế, để chia sẻ cho người bảo hiểm cũng cần phải có Quỹ”, ông Phớc đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết, có thể hạ tỷ lệ phần trăm trích nộp vào quỹ.
Thị trường còn rất tiềm năng
Vấn đề nữa, dự thảo luật quy định các loại hình bảo hiểm gồm: bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm phi nhân thọ; bảo hiểm sức khỏe. Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng “chưa rõ ý đồ của ban soạn thảo đưa ra để làm gì”, vì có nhiều cách phân loại khác nhau. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại để có cách phân loại nhất quán trong dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, lần sửa đổi này cần tiếp cận theo thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp với các hiệp định, cam kết quốc tế của chúng ta; bảo đảm công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này phát triển.
“Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn. Dù tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này rất nhanh, nhưng còn thấp xa so với dư địa của chúng ta, thị trường còn rất tiềm năng”, ông Vương Đình Huệ nói và nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn luôn khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, logistic, bảo hiểm…
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm về các loại hình bảo hiểm. Theo ông, bảo hiểm nhân thọ thì có khoảng 600 sản phẩm bảo hiểm; bảo hiểm phi nhân thọ có khoảng 2.600 sản phẩm bảo hiểm; bảo hiểm sức khỏe có khoảng 200 sản phẩm bảo hiểm.
Dự luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.