Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra có nhiều dự án, công trình được điều chỉnh quy hoạch sai quy định, chất tải lên khu vực đường Lê Văn Lương, trong khi TP Hà Nội khẳng định, hai bên đường Lê Văn Lương xây dựng đúng quy hoạch. Cần làm rõ vấn đề này ra sao?
Trục đường Lê Văn Lương với hàng chục tòa cao ốc "phá vỡ" quy hoạch
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời cử tri trước tình trạng hàng loạt cao ốc mọc lên dày đặc trên tuyến đường Lê Văn Lương, gây ra nhiều hệ lụy.
Theo đó, Thành phố Hà Nội khẳng định, hai bên trục đường Lê Văn Lương được xây dựng đúng định hướng quy hoạch, dựa trên căn cứ pháp lý là các quy hoạch từ trước đến nay đều cho phép xây dựng nhà cao tầng hai bên đường Lê Văn Lương từ 30-35 và cao nhất 45 tầng.
Trong khi trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra, chỉ rõ trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND Hà Nội cùng một số quận, huyện liên quan khi nhiều lần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sai quy định tại các dự án. Việc này dẫn đến nhiều công trình xây vượt tầng, tăng mật độ xây dựng, làm gia tăng dân số và tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng.
Trước việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận sai nhưng Hà Nội lại nói thực hiện đúng quy hoạch, trao đổi cùng phóng viên VOVGT, TS Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, để làm rõ đúng sai cần có điều tra và đưa ra kết luận chính thống ở tầm cao hơn là Thanh tra Chính phủ, làm cơ sở để chấm dứt các tranh luận liên quan tới vấn đề này.
Quá tải hạ tầng và ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra
TS Trương Xuân Cừ nhấn mạnh, với 2km "cõng" 33 dự án chung cư cùng 100.000 dân, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang quá tải. Trước hết trách nhiệm vấn đề này thuộc về UBND TP.Hà Nội và các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể thuộc về người nào và mức độ xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan công an.
Theo ông Cừ, cần làm rõ có hay không những sai phạm, tiêu cực, lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch đường Lê Văn Lương và các khu vực khác ở thủ đô Hà Nội để xử lý triệt để tình trạng này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, các căn cứ và kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng và TP Hà Nội đều có cơ sở.
Tuy nhiên, có nhiều bất cập trong quá trình điều chỉnh và thực hiện quy hoạch dẫn tới bất cập hiện nay. Mặc dù Luật không cấm việc điều chỉnh quy hoạch nhưng nếu có sai sót, có "lợi ích nhóm" trong việc liên tục điều chỉnh quy hoạch thì cần phải được xử lý.
Bởi nguyên chính của vấn đề nằm ở việc các nhà quản lý không quản lý chặt chẽ hoặc không cương quyết tuân thủ theo các quy hoạch đã có mà chúng ta điều chỉnh nhiều lần nên nó bị phá vỡ.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng nhìn nhận, kết luận thanh tra mới chỉ là thanh tra chuyên ngành phát hiện vi phạm ở bước khởi đầu, chỉ ra trách nhiệm chung chung nhưng đã có nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Do vậy, cần phải mở rộng xem xét, điều tra mới đảm bảo chính xác trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xem xét vai trò người đứng đầu các cơ quan như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND TP.Hà Nội… để xử lý tùy theo mức độ, không loại trừ hình sự nếu có.
Với hàng loạt sai phạm về quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị... đã và đang “băm nát” quy hoạch hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, nhiều ý kiến người dân cho rằng, dù chưa có số liệu kết luận về thiệt hại gây ra, tuy nhiên những hệ lụy, những ảnh hưởng lâu dài, tiêu cực từ vi phạm trong công tác quy hoạch là rất nghiêm trọng và khó có thể khắc phục được.
Nếu quy hoạch đúng nhưng khi thực hiện quy hoạch với quá nhiều tòa nhà cao tầng gây quá tải hạ tầng và ùn tắc giao thông liên tục thì quy hoạch đó có vấn đề và cần xem lại thiết kế quy hoạch./.