Thậm chí, chính vì sự phân biệt "cao" – "thấp" mà các triều đại phong kiến này còn đặt ra không ít luật lệ, quy chuẩn khiến hậu thế không khỏi… ngã ngửa!
Tần quốc: Luận tội dựa vào... chiều cao!
Khi nước Tần còn là chư hầu một phương, pháp luật tại đây đã đặt ra quy định nam thanh niên từ 15 tuổi trở lên sẽ phải đi tòng quân và chịu nhiều loại thuế khóa.
Do thời cổ đại chưa có nhiều giấy tờ lưu lại năm sinh, tên tuổi, đất nước lại trải qua nhiều cuộc binh biến, bạo loạn, sổ sách lưu lại cũng không nhiều, nên Tần quốc phải dùng "hạ sách" là nhìn chiều cao đoán tuổi tác của bách tính.
Theo đó, Tần quốc dùng chiều cao 6 xích làm chuẩn để đánh giá người ở tuổi thành niên. Cuốn"Chu lễ"có ghi: "cao 7 xích là người 20 tuổi, cao 6 xích là người 15 tuổi".
Thời nhà Chu, nhà Tần, 1 xích ứng với 23.1cm. Như vậy, Tần quốc bấy giờ luôn "mặc định" ai có chiều cao từ 1m39 trở lên đều là người hơn 15 tuổi.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ Trung Quốc từng phát hiện và phục dựng lại nhiều bức tượng về quân đội nhà Tần. Trong đó có không ít bức tượng mô phỏng những binh sĩ cao tới...1m9. (Ảnh: nguồn intetnet).
Thời bấy giờ, nếu có kẻ phạm tội hoặc bị định tội, quan phủ cũng dựa vào chiều cao để xét xử.
"Tần giản – Pháp luật đáp vấn" có ghi: "Kẻ nào dám trộm trâu bò, nếu thân cao 6 xích thì bị giam 1 năm, nếu đã cao tới 6 xích 7 thốn thì bị đày ra biên ải".
Như vậy, nếu sinh ở nước Tần thì việc lớn lên quá nhanh chính là một thiệt thòi.
Tống triều: Binh lính càng cao, quân bổng càng nhiều!
Dù là triều Bắc Tống hay Nam Tống, bất luận là tuyển quân cho vị trí nào, triều đình đều dùng biện pháp chiêu mộ dựa theo tiêu chuẩn ngoại hình.
Từ thời Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn cho tới Tống Triết Tông, triều đại này đều xét chiều cao để chiêu mộ quân binh.
Dưới thời Tống Thái Tổ, tuyển cấm quân có yêu cầu chiều cao từ 5 xích 8 thốn trở lên mới trúng tuyển. Quân chính quy lại yêu cầu chiều cao ít nhất phải đạt 5 xích 5 thốn.
Theo quy chuẩn độ dài của Tống triều, 1 xích bằng 10 thốn, 1 thốn bằng xấp xỉ 3cm so với đơn vị đo hiện tại.
Như vậy, để trúng tuyển vào quân binh Tống triều dưới thời Tống Thái Tổ, các nam tử triều đại này không được phép thấp hơn 5 xích 5 thốn (xấp xỉ 1m65). Tới thời Tống Chân Tông, con số này được giảm xuống còn 5 xích 2 thốn ( xấp xỉ 1m56).
Dù tuyển bộ binh, kỵ binh hay cấm vệ binh, nhà Tống đều đặt chiều cao làm tiêu chỉ ưu tiên hàng đầu. (Tranh minh họa).
Tống triều đối với cấm binh quân giữ đồn đều cấp cho quân bổng. Tuy nhiên cấp bậc phân chia của loại bổng lộc này cực kỳ phức tạp.
Không chỉ dựa vào yếu tố cấp bậc, giá hàng hóa, chế độ tiền tệ ở các nơi… mà ngay cả binh sĩ có chiều cao khác nhau cũng sẽ nhận được quân bổng không hề giống nhau.
Tống Nhân Tông năm xưa từng áp dụng các mức quân bổng khác nhau phụ thuộc vào chiều cao của binh sĩ.
Theo đó, người cao từ 5 xích 8 thốn trở lên sẽ có tiền lương 1000 đồng, người cao tới 5 xích 7 thốn, quân bổng giảm xuống 700 đồng, mà người cao từ 5 xích 6 thốn trở xuống, quân lương chỉ vẻn vẹn có 500 đồng.
Tuy nhiên, việc "thiên vị" người cao đã từng gây nên chuyện dở khóc dở cười cho triều đình nhà Tống.
Tương truyền rằng, vào thời Tống Thái Tông, có người tên Đới Hưng nhờ thân cao hơn 7 xích mà được phong làm Ngữ Mã Tả Trực (người đứng bên trái ngựa của đoàn kiệu hộ tống).
Vậy nhưng, để tìm một người có chiều cao hơn 7 xích (hơn 2 mét) để đứng bên phải sao cho cân xứng là hết sức khó khăn.
Chính vì chuyện "bày binh" để đẹp đội hình này, Tống Thái Tông đã không ít lần phải sầu não. Vậy mới thấy, không chỉ người hiện đại mà ngay cả cổ nhân cũng rất coi trọng yếu tố chiều cao.