Quy định cho vay mới làm khó người mua nhà ở xã hội?

Hùng Lĩnh |

Từ ngày 20/1 tới đây, người mua nhà ở xã hội sẽ không được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định.

Đây là quy định vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong Thông tư 20 sửa đổi về hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, quy định này sẽ gây thiệt thòi cho người dân, vốn dĩ là đối tượng tiếp cận phân khúc nhà ở xã hội có thu nhập trung bình thấp và phụ thuộc vào ngân hàng để vay mua nhà.

Thông tư 20 quy định, các đối tượng đủ điều kiện vay để mua, thuê nhà ở xã hội như trước đây sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê nhà ở xã hội thì chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng phải thực hiện gửi tiết kiệm. Quy định này sẽ gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

 Quy định cho vay mới làm khó người mua nhà ở xã hội?  - Ảnh 1.

Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị các đối tượng mua, thuê nhà được vay 80% giá trị hợp đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Nên giữ nguyên quy định ở Thông tư 25 trước đây, tức là vẫn cho phép 4 ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định để tham gia nhà ở xã hội, được cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn xây mới, sửa chữa cải tạo nhà và được vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, hộ gia đình", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đề xuất.

Chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội cho biết, gần như 100% người dân muốn được tiếp cận khoản vay để mua nhà vì không có khoản dư tích lũy. Gói vay rơi vào khoảng 70% giá trị căn hộ và trả trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, việc tiếp cận khoản vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn còn khó, dẫn đến tình trạng người dân chuyển sang vay ngân hàng thương mại.

"Chúng ta phải cung cấp gói tài chính dài hạn hơn, khoảng 25 năm, thì người ta mới có khả năng. Còn nếu để chờ tích luỹ đủ tiền để mua, thuê nhà xã hội thì gần như suốt đời người ta không có khả năng với tới những căn hộ như mong muốn của người ta", ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Xây dựng Lê Thành, cho hay.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nhận định, trong 15 năm qua, các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất hiệu quả việc cho người dân vay ưu đãi mua, thuê nhà ở xã hội. Thậm chí với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013 - 2016, các ngân hàng thương mại đã triển khai rất tốt.

"Các ngân hàng thương mại khi nhận 1 đồng cấp bù lãi suất từ nhà nước thì có thể huy động thêm đến 33 đồng vốn xã hội. Trong khi từ 1 đồng tái cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thì Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ huy động thêm được 1 lần 1 đồng nữa thôi", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết.

Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nhà ở xã hội, Hiệp hội cũng kiến nghị các đối tượng mua, thuê nhà được vay 80% giá trị hợp đồng. Đối với người vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo được vay 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay tối đa không quá 500 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại