Tiết lộ đáng chú ý này được ông Yanukovych đưa ra trong cuộc phỏng vấn với chương trình Newsnight của đài BBC hôm 22-6.
Đây cũng là lần đầu tiên vị tổng thống bị lật đổ này công khai trả lời phỏng vấn một hãng tin phương Tây kể từ sau cuộc đảo chính tháng 2-2014.
Ông Yanukovych cho biết ông rất biết ơn ông chủ điện Kremlin vì đã ra lệnh cho lực lượng đặc biệt trợ giúp ông rời khỏi Ukraine hôm 23-2-2014.
“Ông Vladimir Putin đã đưa ra quyết định đó với sự tham vấn từ lực lượng đặc biệt của mình. Đó là điều đúng đắn.
Ông Putin cũng không hỏi ý kiến tôi trước. Tất nhiên tôi rất biết ơn Tổng thống Nga vì đã ra lệnh và giúp tôi an toàn, cứu sống cuộc đời tôi” – ông Yanukovych tiết lộ.
Tuy nhiên, ông Yanukovych từ chối trả lời các câu hỏi trực tiếp của phóng viên BBC về việc liệu Crimea thuộc về Nga hay Ukraine. Song ông không phủ nhận trách nhiệm về các vụ giết người dẫn đến các cuộc biểu tình lật đổ chính phủ hồi tháng 2-2014.
"Tôi không phủ nhận trách nhiệm của tôi," ông Yanukovych nói với BBC Newsnight, khi được hỏi về các vụ bắn người biểu tình tại quảng trường Maidan của Kiev.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo Ukraine bác bỏ cáo buộc ông đã ra lệnh cho lực lượng an ninh nổ súng và đổ lỗi này cho lực lượng an ninh. Ông chỉ nhận trách nhiệm đã không cố gắng hết mình để ngăn chặn đổ máu.
Trong một diễn biến khác, trang tin Kyivpost hôm 22-6 đưa tin một cựu thiếu tướng từng phục vụ trong quân đội Ukraine dưới thời ông Yanukovych đã đào tẩu sang hàng ngũ lực lượng ly khai thân Nga ở Donetsk.
Điện đàm Đức-Pháp-Nga
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel phàn nàn rằng vẫn chưa đạt được tiến triển trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine sau cuộc điện đàm hôm 22-6 với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một nguồn tin thân cận với tổng thống Pháp cho biết: “Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Hollande đã đưa vấn đề cần thiết phải gây áp lực đối với các bên liên quan nhưng tiến triển của cuộc điện đàm không như mong đợi”.
Cuộc điện đàm kéo dài 45 phút diễn ra chỉ một ngày trước khi các ngoại trưởng từ Ukraine, Nga, Pháp và Đức tổ chức hội đàm tại Paris về vấn đề khủng hoảng Ukraine.
Trước đó, các ngoại trưởng EU chính thức nhất trí kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga từ tháng 1-2016 nhằm gây thêm sức ép buộc Moscow thực hiện toàn diện hiệp định hòa bình đạt được hồi tháng 2.
Thêm vào đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 22-6 tuyên bố trong tuần này NATO sẽ thông qua kế hoạch nhằm tăng gấp đôi lực lượng phản ứng nhanh để tạo ra một lực lượng mũi nhọn đặc biệt đối phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraine.