Theo ông Timothy Alexander Guzman, việc Thổ Nhĩ Kỳ khiêu khích Nga “không có gì đáng ngạc nhiên” và rằng “dấu tay” của Washington có ở khắp mọi nơi trong những vụ nhằm vào Moscow của Ankara thời gian gần đây.
Viết cho hãng tin Silent Crow News, ông Guzman cho biết: “Hãy cân nhắc những sự thật. Các lực lượng chính phủ Syria cùng với Nga đã khiến cuộc chiến chống IS đổi chiều.
Có một sự thật bị phanh phui rằng Mỹ, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ả Rập Saudi và Qatar đã cung cấp vũ khí, tài chính, huấn luyện hoặc giúp IS có nơi trú ẩn an toàn”.
Theo tác giả, chính Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát tình hình mặt đất theo sự chỉ đạo của Washington.
Trích một nguồn tin ở Doha, ông Guzman nói thêm rằng có mối quan hệ “tay ba” ở đây, với Thổ Nhĩ Kỳ ở trên đầu, Ả Rập Saudi và Qatar xếp phía sau. Thổ Nhĩ Kỳ là người điều phối bí mật trong mối quan hệ đồng minh tay ba này.
Ankara khẳng định rằng máy bay ném bom Su-24 của Nga đã vi phạm không phận nước này, nhưng “một sự thật quan trọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ có một vùng đệm khoảng 8 km thuộc lãnh thổ Syria kể từ năm 2012”, ông Guzman nói.
Tác giả cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã đơn phương tạo ra vùng đệm này sau khi tên lửa quốc phòng Syria bắn rơi một chiến đấu cơ nước này vì vi phạm không phận năm 2012.
Thổ Nhĩ Kỳ đã vẽ lại đường biên giới quốc gia và giờ lại tuyên bố Su-24 đã vi phạm nó.
Tuy nhiên, Ankara không hành động một mình. Việc làm này dường như đã được các nhà chính sách Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch từ trước và đã hợp tác với Washington, vốn muốn ngăn cản sự thành công của Nga ở Syria.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã chống lưng cho IS theo mục tiêu chiến lược của Washington, đó là lật đổ Assad và thu lợi từ nguồn dầu mỏ của Syria. Ankara đã theo sau mệnh lệnh của Washington.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là để khiêu khích, buộc Nga bước vào cuộc chiến với NATO dưới sự kiểm soát của Mỹ. Một điều chắc chắn là Ankara đã được bật đèn xanh từ chính quyền Obama”, ông nói.
Tác giả Timothy Alexander Guzman cũng nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một hành động khiêu chiến như vậy.
Quay lại thời kỳ năm 1915, Đế chế Ottoman đã thực hiện vụ diệt chủng kinh hoàng, cướp đi mạng sống của 1,5 triệu người Mỹ cũng như người Assyria và người Hy Lạp.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng có liên quan đến cuộc thảm sát người Kurd hồi đầu thế kỷ 20.
Năm 1974, Ankara xâm chiếm Cộng hòa Síp trên danh nghĩa đảo chính và lấy đi 20% lãnh thổ của nước này.
“Lý do gì đằng sau sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ? Đó là để khôi phục thể chế của nước Cộng hòa Síp vốn trước đó đã bị lật đổ và để bảo vệ thiểu số người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở hòn đảo này, chiếm chưa đến 18% dân số”, Guzman nói.
Tuy nhiên, trên thực tế vụ đảo chính nói trên chỉ là cái cớ để Ankara xâm lược một cách trái phép.
Dường như nước này muốn tái thiết lập một Đế chế Ottoman thu nhỏ và không hề đắn đo khi tiếp tay cho những tư tưởng lệch lạc của IS để hoàn thiện mục tiêu này.
Đối lập với Moscow, Ankara rõ ràng đang đi ngược lại lịch sử.
Guzman kết luận rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần cân nhắc lại chính sách đối ngoại có thể khiến nước này rơi vào một cuộc chiến tranh thế giới thứ III do Washington khởi xướng.