Vụ xuyên tạc về "Em bé napalm": Từ Mỹ, tác giả bức ảnh lên tiếng

Đức Huy |

Nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt Huỳnh Công Út (Nick Út) nói về thủ phạm ném bom xuống làng của "em bé napalm".

Ai đã xuyên tạc trắng trợn sự thật về bức ảnh "Em bé Napalm"

Vụ xuyên tạc về "em bé napalm": Phi công Bắc Việt ở đâu ra?

LTS: "Em bé napalm" là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất về Chiến tranh Việt Nam, với hai giải thưởng danh giá là Pulitzer và World Press Photo of the Year.

Hơn 40 năm kể từ khi bức ảnh được chụp, tác giả, các nhân vật trong ảnh và nhiều nhân chứng khác có mặt tại hiện trường khi đó đã lên tiếng. Mọi chi tiết quanh bức ảnh đều đã quá rõ ràng, trong đó có cả chi tiết về chiếc máy bay đã ném bom xuống ngôi làng của "em bé napalm".

Thế nhưng, một bài viết mới đây đăng trên báo Sputnik News của Nga phiên bản tiếng Việt đã tố cáo trang Ukraine Today đăng bài đổ lỗi cho quân đội miền Bắc Việt Nam là thủ phạm vụ ném bom.

Trong quá trình làm rõ sự việc đáng phẫn nộ này, song song với việc phỏng vấn tác giả bài viết trên báo Nga, chúng tôi cũng đã tập hợp tài liệu từ nhiều nguồn đáng tin cậy, đồng thời tìm cách liên hệ với nhiếp ảnh gia Nick Út, tác giả bức ảnh "em bé napalm".

Và những gì chúng tôi thu thập được dưới đây cho thấy một sự thật hiển nhiên, không thể phủ nhận...

Bức ảnh ra đời như thế nào?

8/6/1972.

Một ngày tưởng như mọi ngày với cư dân Trảng Bàng, Tây Ninh, nhưng trong chốc lát đã trở thành một khoảnh khắc lịch sử, vĩnh viễn tước đi quyền được sống của bao sinh linh, và thay đổi hoàn toàn cuộc đời của những người ở lại.

2h chiều hôm ấy, một chiếc phi cơ bất ngờ thả 4 quả bom napalm xuống đoạn đường Quốc lộ 1 gần Thánh thất Cao Đài, nơi nhiều dân thường, trong đó có cả trẻ nhỏ, đang trú ẩn.

Bức ảnh nổi tiếng "em bé napalm" của Nick Út (phóng viên hãng tin AP, Mỹ) đã ra đời trong hoàn cảnh bi thương đó.

Hai người em họ của Phan Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh đã thiệt mạng do vết bỏng quá nặng. Các bác sĩ khi đó cũng nói rằng cô bé Kim Phúc khi đó chỉ còn sống được thêm vài ngày.

Nhưng với nghị lực kiên cường cùng sự trợ giúp của các phóng viên chiến trường, sau 14 tháng điều trị với hàng chục cuộc phẫu thuật và ghép da, Kim Phúc đã hồi phục.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và Kim Phúc - nhân vật trong bức ảnh “Em bé Napalm” 

Nhiếp ảnh gia Nick Út và Kim Phúc - nhân vật trong bức ảnh “Em bé napalm”. Ảnh tư liệu

Ai đã ném bom xuống làng của "Em bé napalm"?

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi từ Mỹ, nhiếp ảnh gia Nick Út khẳng định, thực hiện vụ ném bom napalm ngày 8/6/1972 xuống làng của Kim Phúc là lực lượng Không quân Việt Nam Cộng hòa. Ông còn cung cấp cho chúng tôi phiên hiệu đơn vị đã không kích.

Phóng viên ảnh - Hãng thông tấn AP
Huỳnh Công Út (Nick Ut)
Máy bay của Không lực Việt Nam Cộng hòa đã ném bom napalm gần thánh thất Cao Đài ở Trảng Bàng năm 1972. Đó là phi đội A-1 Skyraider 518, thuộc sư đoàn Số 3 Biên Hòa.

Trong số các bức ảnh mà Nick Út chụp được tại hiện trường, có một bức ghi lại rất rõ chiếc máy bay ném bom.

Ảnh chiếc máy bay thả bom napalm xuống làng Trảng Bàng ngày 8/6/1972 do Nick Út chụp.

Ảnh chiếc máy bay của Không lực Việt Nam Cộng hòa thả bom napalm xuống làng Trảng Bàng ngày 8/6/1972. Ảnh do Nick Út chụp.

Ngoài ra, trong một bài phỏng vấn với BBC (Anh) năm 2010, đại diện hãng tin Anh ITN có mặt tại hiện trường vào thời điểm đó, ông Christopher Wain, cũng xác nhận thông tin máy bay Việt Nam Cộng hòa là thủ phạm vụ ném bom.

Một đoạn băng ghi âm được Cục lưu trữ Quốc gia Mỹ công bố năm 2002, ghi lại cuộc trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon với trợ lý H.R. Haldeman ngày 12/6/1972 về bức ảnh "em bé napalm" cũng cho thấy đó là máy bay Việt Nam Cộng hòa.

Haldeman khi đó đã nói với Nixon rằng, vụ việc là do "lính miền Nam Việt Nam". Trợ lý của Nixon còn nhận định rằng phi công Việt Nam Cộng hòa lúc đó đã tưởng oanh tạc lực lượng đối phương, nhưng thực tế, anh ta đã dội bom xuống những người dân chạy nạn.

Cũng đã từng có lúc, có người cho rằng chiếc máy bay thuộc Không quân Mỹ.

Nhưng một nhân chứng, cựu phi công Mỹ từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam, Thiếu tá Ronald Neil Timberlake, trong bài viết mang tựa đề Bí ẩn đằng sau bức ảnh "em bé napalm" xuất bản năm 1997, đã phủ nhận thông tin này.

"Quân đoàn Việt Nam Cộng hòa tại Trảng Bàng khi đó có hai cố vấn người Mỹ. Cả hai đều không có thẩm quyền ra lệnh, và hoàn toàn không có quyền kiểm soát gì đối với binh lính hay máy bay Việt Nam Cộng hòa" - Thiếu tá Timberlake viết.

Bom napalm dội xuống đường Quốc lộ 1, bên ngoài làng Tràng Bảng, Tây Ninh. Ảnh: Nick Ut/AP

Bom napalm dội xuống đường Quốc lộ 1, bên ngoài làng Trảng Bàng, Tây Ninh. Ảnh: Nick Ut/AP

Thiếu tá Timberlake kể lại, lúc đó, khi Kim Phúc cùng dân làng và một nhóm lính Việt Nam Cộng hòa chạy khỏi Thánh thất Cao Đài ra Quốc lộ 1, phi công lái chiếc Skyraider đã nhìn thấy họ chạy về hướng một số lính Việt Nam Cộng hòa khác.

Trong một khoảnh khắc, nghĩ rằng những người dân này có thể là mối đe dọa đối với đồng đội của mình, viên phi công đã quyết định ném bom xuống chỗ họ.

Có hay không chuyện phi công Mỹ nhận tội?

Cô Kim Phúc, trong một bài phát biểu tại Washington năm 1996, đã từng nói rằng nếu sau này có dịp gặp phi công thả napalm xuống Trảng Bàng, cô sẽ thuyết phục người này cùng cô đóng góp vào nền hòa bình thế giới.

Tại đó, mục sư John Plummer, Đại úy quân đội Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đã thú nhận mình chính là người "ra lệnh" đánh bom napalm vào ngày 8/6/1972.

Kim Phúc đáp lại rằng cô "tha thứ" cho ông Plummer, và câu chuyện về hai người trở thành biểu tượng của công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh của báo chí Mỹ.

Tuy nhiên, một năm sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Baltimore Sun tại nhà thờ nơi Plummer là mục sư, viên cựu binh này thú nhận ông ta không phải viên phi công thả bom napalm cũng như không hề ra lệnh cho trận không kích đó.

"Tôi không muốn lừa dối ai, nhưng lúc đó cảm xúc dâng trào nên tôi đã nói như vậy" - Plummer phát biểu.

Theo lời Plummer, hôm đó ông ta ở căn cứ Biên Hòa, và có tham gia chuẩn bị kế hoạch đánh bom napalm. Plummer chịu trách nhiệm báo cáo tọa độ và một số thông tin liên quan từ cố vấn cho một sĩ quan Mỹ khác, sau đó viên sĩ quan này sẽ báo lại cho Không quân Việt Nam Cộng hòa.

Từ tất cả những thông tin, hình ảnh tư liệu nói trên, ai cũng có thể nhận thấy một sự thật rõ ràng: Việc đổ tội cho Quân đội miền Bắc Việt Nam gây ra vụ ném bom napalm xuống làng của Kim Phúc là sự vu cáo trắng trợn, vô lương tâm, chà đạp nghiêm trọng lịch sử.

Sự xuyên tạc này, dù xuất phát từ bất kỳ ai, với bất kỳ mục đích nào, đều đáng bị lên án mạnh mẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại