Và mới đây, các quan chức cấp cao của Ukraine đã phải “nhắm mắt” thảo luận về đường biên giới cho một khu vực tự trị riêng tại miền đông.
Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine vào hôm qua, đã tiến hành xác định các đường ranh giới tại phía đông nam đất nước, nơi sẽ thành lập các khu tự trị phù hợp với hiệp định hòa bình Minsk được ký kết trước đó.
Điều này được Kiev thông qua sau khi quân đội liên tiếp thua trận trên chiến trường, và phải sử dụng đến các thỏa thuận hòa bình để ngăn chặn sự tấn công của lực lượng nổi dậy tại nhiều thành phố khác.
Theo Phó Tổng thư ký hội đồng, Mykhaylo Koval, tình trạng đặc biệt sẽ được áp dụng tại một số khu vực như Donetsk và Luhansk, dọc theo giới tuyến an ninh được tạo ra giữa quân đội hai bên theo thỏa thuận Minsk vào tháng 09.2014.
Hai khu vực này có phần lớn dân số là người nói tiếng Nga và đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine trước đó.
Hình thức tự trị sẽ không áp dụng cho các khu vực bị lực lượng nổi dậy đánh chiếm và giành quyền kiểm soát từ tay chính phủ sau ngày 19.9, ông Kaval nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo của nhà nước tự xưng Donetsk và Luhansk đã nhiều lần yêu cầu chính phủ Kiev công nhận quyền tự chủ của họ, bằng cách thay đổi hiến pháp của Ukraine.
Nhưng Kiev nhanh chóng sử dụng quân đội cho câu trả lời của họ.
Tuy nhiên, tình hình chiến sự đã không ủng hộ cho thái độ cứng rắn của giới quan chức tại thủ đô Ukraine, buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trước đó, một đề nghị tự trị cho các khu vực ly khai đã được đưa ra vào mùa thu năm 2014, sau cuộc đàm phán hòa bình tại thủ đô Minsk của Belarus, nhưng lập tức bị bãi bỏ.
Lúc đó, Kiev nhận định chưa phải là thời điểm thích hợp để các bên nghĩ tới một giải pháp chia cắt đất nước hay cung cấp quyền tự trị cho người dân tại các khu vực nổi dậy.
Các cuộc đàm phán gần đây nhất tại Minsk vẫn tiếp tục đề cập đến quan điểm trên.
Đồng thời, một số thỏa thuận hòa bình nhằm ngăn chặn tình trạng leo thang chiến tranh cũng được thông qua, trong đó bao gồm một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 15.2, và yêu cầu các bên rút hết vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến trường.
Trong 3 tuần qua, sau khi các lệnh ngừng bắn được ban hành, lực lượng vũ trang hai bên đã từng bước rút khỏi nhiều vị trí trọng yếu.
Các cuộc giao tranh và xung đột nhỏ lẻ cũng không còn theo yêu cầu từ phía Kiev và các nhà lãnh đạo miền Đông.
Việc chính phủ Ukraine cho phép miền đông các quyền tự trị cơ bản, khiến các nước hy vọng hòa bình sẽ nhanh chóng được lập lại tại khu vực này.