Các chuyên gia chống khủng bố phương Tây tin rằng hiện tượng nêu trên là kết quả của một chiến dịch tuyên truyền trực tuyến kêu gọi nữ giới phương Tây lấy chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm chồng. Nhiệm vụ chính của những cô dâu tự nguyện này không phải cầm súng chiến đấu mà là sinh con đẻ cháu, củng cố “dòng giống thuần khiết chiến binh thánh chiến”.
Giương cờ IS trên đất Anh
Ngày 11-9 vừa qua, nhân kỷ niệm năm thứ 13 sự kiện khủng bố kinh hoàng ở Mỹ, Aqsa Mahmood - 20 tuổi, cô gái Scotland trốn gia đình lấy chồng chiến binh IS mà dư luận Anh bàn tán xôn xao cuối năm ngoái - lên tiếng đe dọa “sẽ trở về nước Anh để giương cờ đen IS”.
Cô gửi tối hậu thư đến tín đồ Hồi giáo ở châu Âu, yêu cầu họ chọn lựa dứt khoát: “Đây là một cuộc chiến, hoặc là theo giặc hoặc là theo chúng tôi”.
Trong Nhật ký Muhajirah (dân nhập cư) đăng trên mạng xã hội Tumblr với nickname Umm Layth, Aqsa tuyên bố cắt đứt quan hệ với gia đình, bạn bè và xã hội phương Tây. Aqsa hứa sẽ gặp lại cha mẹ vào “ngày phán xét” và lúc đó, cô đã “tử vì đạo”. “Lòng trung thành của con thuộc về và chỉ thuộc về IS” - Aqsa quả quyết.
Aqsa Mahmood là trường hợp điển hình về nữ tín đồ Hồi giáo phương Tây tham gia phong trào lấy chồng chiến binh thánh chiến và phục vụ hết mình cho IS. Tên tuổi Aqsa Mahmood được biết đến rộng rãi hồi tháng 11 năm ngoái, khi cha mẹ cô trình báo cảnh sát tình trạng mất tích của con gái.
Sau đó, cha mẹ Aqsa mới biết cô đến Syria lấy chồng là thành viên của IS. Aqsa trở thành tuyên truyền viên tích cực trên mạng, lôi kéo những cô gái xứ Anh và châu Âu tham gia cái gọi là “cách mạng Hồi giáo” dưới sự lãnh đạo của IS.
Độc nhất vô nhị
Lý giải hiện tượng phụ nữ Anh lên mạng tìm chồng chiến binh thánh chiến IS ở Syria, ông Shiraz Maher, một chuyên viên cấp cao của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu trạng thái quá khích (ICSR), phân tích: Các tổ chức Hồi giáo cực đoan như al-Qaeda trước đây cũng từng kêu gọi thanh niên phương Tây đến Syria chiến đấu cùng họ nhưng nữ giới không được khuyến khích.Tuy nhiên, sau khi IS tuyên bố thành lập “Vương quốc Hồi giáo”, tình hình đã thay đổi.
Nữ giới lúc này được mời tham gia phong trào thánh chiến với vai trò cụ thể là lấy chồng chiến binh IS và sinh đẻ càng nhiều càng tốt. Ông Maher nhấn mạnh rằng những phụ nữ có chuyên môn cao như bác sĩ, kỹ sư, luật sư đặc biệt được IS trải thảm đỏ với nhiều ưu ái nhằm tăng cường hiệu năng “Vương quốc Hồi giáo”.
Theo ông Maher, Hồi giáo dòng Sunni như IS không bao giờ kêu gọi phụ nữ trực tiếp cầm súng mà chủ yếu đến hỏa tuyến để làm vợ, làm chị nuôi, phục vụ khâu hậu cần. “Chuyện trang mạng Ask.fm tràn ngập những lời yêu cầu cưới chồng chiến binh IS là một hiện tượng độc nhất vô nhị trong cuộc xung đột ở Syria” - ông Maher nhận xét.
Vì nữ giới được khuyến khích lấy chồng chiến binh trước khi đến Syria nên trên mạng xã hội Twitter và Ask.fm bùng nổ những lời cầu hôn gửi tới lực lượng IS, đại loại: “Có ai muốn lấy tôi không?”, “Hãy làm mai một thanh niên sẵn sàng lấy tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ để tôi tới đó”. Theo các nhà nghiên cứu ở ICSR, có ít nhất 60 cô gái người Anh, trong đó nhiều em chưa đến tuổi thành niên, đã đến Syria và Iraq theo con đường này.
Biệt đội al-Khanssaa
Theo các nhà nhiên cứu ở ICSR, Aqsa Mahmood hiện nằm trong ban chỉ huy biệt đội al-Khanssaa của IS ở TP Raqqa - Syria. Đây là lực lượng cảnh sát đặc biệt toàn nữ giới được lãnh đạo IS thành lập hồi tháng 2-2014 sau khi chiếm được nhiều thành phố lớn nhỏ ở Iraq và Syria.
Nhiệm vụ của al-Khanssaa là dùng Sharia (luật Hồi giáo) hà khắc trừng phạt những phụ nữ sống trong các địa bàn nằm dưới quyền kiểm soát của IS có hành vi và tư tưởng chống lại tổ chức này hoặc sinh hoạt theo kiểu văn hóa phương Tây.
“Theo chúng tôi biết, al-Khanssaa gồm toàn phụ nữ Anh và Pháp nhưng chỉ có người Anh sử dụng các trang mạng xã hội. Vì người Anh hăng hái nhất trong việc áp dụng luật Sharia nên ít nhất 4 phụ nữ Anh, trong đó có Aqsa Mahmoud, được chọn làm lãnh đạo lực lượng cảnh sát nữ này” - người phát ngôn của ICSR tiết lộ.
Cũng theo ICSR, tuần rồi, trung tâm này đã ghi nhận được khoảng 20 yêu cầu của nữ giới đến Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung, các cô gái người Anh dễ dàng xin xuất cảnh hơn nam giới vì ít bị nghi ngờ. Đó là lý do nữ chiến binh người Anh trong đội ngũ IS đã gia tăng nhanh chóng thời gian gần đây.