Vì sao TQ di dời "bia đá Giang Trạch Dân" khiến dư luận xôn xao?

Hải Võ |

Việc tảng đá mang bút tích của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân bị Trường đảng Trung Quốc di dời đang được truyền thông quốc tế "giải mã" là "mang nhiều thông điệp chính trị".

Hôm 31/8, tại cuộc họp báo ở Trung tâm hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng (Trung Quốc), Phó chủ nhiệm khoa Luật & Chính trị trường đảng Trung ương Trung Quốc Trác Trạch Uyên bất ngờ nhận được câu hỏi về việc di dời tảng đá mang tên trường.

Trong 2 tuần trở lại đây, thông tin về việc tảng đá có dòng chữ "Trường đảng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc" do cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đề tặng bị di dời đã khiến truyền thông quốc tế xôn xao.

Không ít ý kiến cho rằng động thái này là một dấu hiệu nữa cho thấy giới lãnh đạo Bắc Kinh đang dần thoát khỏi tầm ảnh hưởng của ông Giang - người đã rút khỏi tất cả các chức vụ lãnh đạo kể từ tháng 3/2005.

Trả lời câu hỏi của hãng Reuters rằng việc di chuyển tảng đá do cựu lãnh đạo đề chữ có phải là hành động thể hiện sự bất mãn của Bắc Kinh đối với Giang Trạch Dân, ông Trác đã phủ nhận điều này.

Ông cho biết: "Tảng đá có đề tên trường đích thị là do đồng chí Giang Trạch Dân đề tặng.

Tuy nhiên, việc đặt tảng đá ở cổng lớn của trường khiến nhiều người qua lại chụp ảnh, trong khi phía trước là tuyến giao thông quan trọng, bởi trường đảng nằm đối diện với tường của Di Hòa Viên.

Việc người dân qua lại chụp ảnh không chỉ ảnh hưởng giao thông mà còn đe dọa tính mạng con người. Vì vậy, trường đã quyết định bố trí lại và di dời tảng đá trên vào phía trước tòa nhà chính."

Tảng đá đề tên Trường đảng Trung Quốc bằng bút tích của Giang Trạch Dân đã được di dời từ ngoài cổng vào trong khuôn viên trường.

Văn hóa "chính trị đề chữ" đặc thù ở Trung Quốc

Tài khoản Wechat chính thức của Báo thanh niên Trung Quốc hôm 31/8 bình luận, với vai trò trung tâm đào tạo cao nhất đối với cán bộ, lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc, vị thế chính trị của Trường đảng Trung ương "không đơn giản".

Tuy nhiên, việc đánh giá động cơ chính trị thông qua hành động di dời một tảng đá được báo chí Trung Quốc cho là "thổi phồng quá mức".

Dù vậy, trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, "chính trị học đề chữ" thực sự có tồn tại ở Trung Quốc. Trong rất nhiều trường hợp, việc ai đề chữ, đề ở đâu, như thế nào... đều xuất phát từ những tính toán chính trị kỹ lưỡng.

Trên thực tế, việc các lãnh đạo Trung Quốc tặng chữ viết tay cho tên các đơn vị hành chính nước này là một nét văn hóa chính trị đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua.

Một tấm bảng rất đáng chú ý ở Trung Quốc chính là 5 chữ "Vì nhân dân phục vụ", được đặt ngay bên trong cổng chính của Trung Nam Hải - cơ quan đầu não của các lãnh đạo nước này.

5 chữ này ban đầu có nguồn gốc từ bài diễn văn của Mao Trạch Đông ngày 8/9/1944, tại lễ truy điệu Trương Tư Đức - một điển phạm "vì nhân dân phục vụ" của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Đa Chiều, cụm từ "vì nhân dân phục vụ" mà Trung Quốc sử dụng ngày nay không chỉ bài diễn văn trên, mà đến từ bài báo Mao viết cho tờ Takungpao của Hồng Kông trong giai đoạn diễn ra cuộc đàm phán Trùng Khánh năm 1945.

Mặc dù các cơ quan của đảng, chính phủ Trung Quốc đều áp dụng một hình thức thống nhất, song việc đề tên các đơn vị sự nghiệp lại có nhiều không gian phát huy hơn.

Trong đó, việc đề tên của các tờ báo, tạp chí được cho là phong phú nhất, bởi những cái tên này không chỉ xuất hiện ở cửa tòa soạn báo, mà còn hiện hữu trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác.

Mao Trạch Đông đã tự mình đề tên cho các tờ báo cơ quan ra đời trong thời chiến như Nhân dân Nhật báo, Giải phóng Nhật báo, Tân Hoa Nhật báo...

Sau khi nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949, Mao cũng tự đặt tên cho các tờ báo của Trung ương như Báo thanh niên Trung Quốc, Báo giải phóng quân...

Tấm bảng "Vì nhân dân phục vụ" bằng bút tích của Mao Trạch Đông được đặt trong Tân Hoa Môn của Trung Nam Hải.

Về sau này, một số tờ báo cơ quan của các vùng cải cách mở cửa tiêu biểu cũng được Đặng Tiểu Bình đề tên như Hải Nam Nhật báo, Trùng Khánh Nhật báo...

Đa Chiều cho biết, trong hơn 100 ngôi trường Cao đẳng kỹ thuật "211" của Trung Quốc, có tới 80% bảng tên trường là bút tích của các lãnh đạo nước này.

Ngoài ra, không ít trường hợp trên bảng tên các cơ quan có bút tích các lãnh đạo là do các đơn vị này... tự ghép chữ, chứ lãnh đạo không hề tới trường "tặng chữ". Ví dụ, các ký tự trong tên trường Đại học Nhân dân Trung Quốc được ghép lại từ các chữ viết của Mao Trạch Đông.

Kể từ năm 1956, Trung ương đảng Trung Quốc quy định không cho phép in ấn bảng tên cơ quan bằng cách ghép các chữ viết tay của lãnh đạo, hiệu trưởng trường Nhân dân Ngô Ngọc Chương đã mời nhà văn Quách Mạt Nhược tới "cho chữ".

Sau Cách mạng Văn hóa, người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc thời điểm đó là Hoa Quốc Phong cho phép mở cửa trường học trở lại thì bảng tên trường ĐH Nhân dân lại biến thành... bút tích của Hoa Quốc Phong.

Khi ông Hoa rời khỏi chính trường, bảng tên của trường này lại được ghép từ bút tích của Ngô Ngọc Chương.

Dòng chữ "Bệnh viện tổng quân đội nhân dân Trung Quốc" (Viện 301) do Giang Trạch Dân đề tặng và ký tên.

Về bia đá mang bút tích Giang Trạch Dân

Đa Chiều cho biết, ngoài Trường đảng Trung ương, các cơ quan bồi dưỡng cán bộ khác ở Trung Quốc đa phần cũng được lãnh đạo đề tên.

Cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã từng "ra tay" viết tên trường cho Học viện cán bộ Phố Đông (Thượng Hải), Học viện cán bộ Tĩnh Cương Sơn hay Học viện cán bộ Diên An...

Bảng tên của Viện 301 - bệnh viện tổng của quân đội Trung Quốc - đang sử dụng ngày nay cũng là bút tích mà ông Giang đề tặng viện này nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập vào năm 1993.

Đại kịch viện quốc gia Trung Quốc, một kiến trúc đặc thù ở thủ đô Bắc Kinh và nằm ở phía Tây Đại lễ đường Nhân dân hiện tại cũng đang "treo biển tên" là dòng chữ mà nhà cựu lãnh đạo này đã viết.

Đa Chiều bình luận, sở dĩ việc Trường đảng Trung Quốc di chuyển tảng đá mang bút tích của ông Giang trở thành chủ đề gây xôn xao xuất phát từ việc gần đây, Bắc Kinh đã lần đầu tiên tỏ thái độ chỉ trích việc "cựu lãnh đạo về hưu không rút tay khỏi chính trị".

Giang Trạch Dân được truyền thông quốc tế cho là "đối tượng" mà giới lãnh đạo Trung Quốc muốn gửi thông điệp do vẫn duy trì sức ảnh hưởng trong chính quyền nhiều năm liền sau khi về hưu.

Tuy vậy, ông Trác Trạch Uyên khẳng định, "vụ việc tảng đá" không mang hàm ý không tôn trọng đối với ông Giang.

"Chúng tôi vẫn tôn trọng đồng chí Giang Trạch Dân như từ trước đến nay" - ông Trác nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại