Cuộc chiến bên trong và ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine

Phạm Hà |

Quốc hội Ukraine hôm 31/8 đã đưa ra bước đi đầu tiên hướng đến việc trao quyền tự trị nhiều hơn cho lực lượng đối lập tại miền Đông.

Tuy nhiên đụng độ đã xảy ra bên ngoài tòa nhà Quốc hội để phản đối những thay đổi này, làm ít nhất 1 sỹ quan thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine thiệt mạng, khoảng 100 người bị thương, trong đó có 90 nhân viên an ninh.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov xác nhận hơn 30 đối tượng quá khích đã bị bắt giữ liên quan tới các vụ đụng độ và con số này sẽ còn tăng.

Những người này mặc áo phông in hình biểu trưng của đảng Svoboda theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã ném một số vật gây cháy nổ và chống đối lực lượng cảnh sát.

Đây là diễn biến bạo lực nghiêm trọng nhất tại Kiev kể từ cuộc biểu tình tại Maidan vào năm ngoái. Các chuyên gia phân tích dự đoán, những cuộc đối đầu kéo dài hơn sẽ diễn ra trong Quốc hội nước này.

Vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình xảy ra sau khi Quốc hội Ukraine bỏ phiếu thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp về trao quy chế đặc biệt cho các tỉnh miền Đông theo đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko.

Trong thông điệp gửi tới người dân, ông Poroshenko tuyên bố các vụ bạo lực ở Kiev là hành động chống Ukraine và những kẻ đứng sau vụ việc này sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc mà không có ngoại lệ.

Tổng thống cũng khẳng định, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo, tuân theo các cam kết tại các cuộc đối thoại hòa bình tại Belarus, Ukraine sẽ mất sự hỗ trợ của phương Tây.

Ông Poroshenko nói: “Điều gì sẽ xảy ra nếu quốc hội không bỏ phiếu thay đổi hiến pháp? Số phận của liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.

Khả năng Ukraine có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể không rõ ràng, nhưng viễn cảnh chúng ta sẽ phải đối mặt với khó khăn khi không có sự ủng hộ là thực sự”.

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk cũng kêu gọi sự đoàn kết người dân để vượt qua những khó khăn hiện nay: “Chúng ta đoàn kết trong một liên minh dân chủ với Tổng thống và chính phủ có trách nhiệm với mọi công dân Ukraine.

Chiến thắng sẽ có được với sự đoàn kết để bảo vệ chủ quyền của đất nước”.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini bày tỏ quan ngại trước các cuộc đụng độ ở Kiev.

Nga thì cho rằng, Ukraine cần một hệ thống phân quyền cho phép các khu vực tự quyết định ngôn ngữ, các hiệp định kinh tế với nước ngoài.

Việc thông qua dự luật này đánh dấu bước đi đầu tiên của Ukraine tuân theo thỏa thuận hòa bình Minsk với sự ủng hộ của cả Liên minh châu Âu và Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc thông qua dự luật gây tranh cãi này sẽ còn gặp nhiều khó khăn với đợt bỏ phiếu lần 2 vào tháng 12  tới, với tỷ lệ ủng hộ bắt buộc là tối thiểu 300 phiếu.

Hiện vẫn có sự chia rẽ trong dư luận Ukraine về dự luật tranh cãi này.

Một nghị sĩ trong quốc hội Ukraine Olexander Chernenko cho rằng, ông bỏ phiếu ủng hộ dự luật vì đây là cải cách cơ bản nhất mà Ukraine có thể thực hiện được theo thỏa thuận Minsk. Việc không thực hiện các cải cách này sẽ là một thảm họa.

Ông Olexander Chernenko cũng cáo buộc một số lực lượng chính trị đang sử dụng việc bỏ phiếu này vì mục đích riêng trong cuộc bầu cử khu vực vào tháng 10 tới.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ khác cảnh báo rằng, việc phân cấp quyền lực có thể là cần thiết nhưng tình hình chính trị và kinh tế tại Ukraine  không ổn định để thực hiện cải cách này một cách hiệu quả.

Ông Vladimir Panchenko- chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế tại Kiev nhận định, đây là một con đường rất nguy hiểm.

Nhiều người lo ngại rằng lực lượng đối lập tại miền Đông được hợp thức hóa, sẽ tham gia các cơ quan lập pháp và hội đồng địa phương. Điều này có thể khiến tình hình leo thang căng thẳng tại Ukraine.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Ukraine cho thấy phần lớn những người được hỏi ủng hộ ý  tưởng về chuyển giao nhiều quyền từ trung ương cho chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, một số người vẫn ủng hộ Ukraine là một nhà nước "nhất thể”.

Các chuyên gia nhận định, những vụ bạo loạn lần thứ 2 tại Ukraine kể từ sau cuộc biểu tình tại Maidan vào năm ngoái đang báo trước những bất ổn sắp tới, cho thấy xã hội Ukraine đang bị chia rẽ nghiêm trọng về việc làm thế nào ổn định tình hình tại phía Đông./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại