Vì sao Putin-Tập Cận Bình không gặp nhau ở New York?

Hải Võ |

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không có cuộc tiếp xúc nào với các nguyên thủ Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Anh khi ông tham dự các hoạt động của Liên Hợp Quốc từ 26-28/9.

Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 2/10 chỉ ra, Chủ tịch Trung Quốc đã rời Mỹ sau khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước và làm việc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 28/9.

Đáng chú ý là, trong thời gian diễn ra các hoạt động của LHQ, ông Tập chỉ hội kiến 7 nguyên thủ các quốc gia nhỏ ở châu Âu, Á, Phi và Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon chứ không gặp riêng lãnh đạo các nước lớn như Anh, Pháp, Đức,...

Cuộc hội ngộ với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà Nga-Trung đã "hẹn trước" cũng không diễn ra.

Tập Cận Bình tái khẳng định khái niệm của Mao Trạch Đông

Ông Tập lựa chọn gặp mặt nguyên thủ 7 quốc gia gồm Romania, Bangladesh, Nigeria, Đan Mạch, Hy Lạp, Sierra Leone và Iran được cho là nhằm mục đích thúc đẩy tiến trình thực hiện chiến lược "một vành đai, một con đường".

Đồng thời, Bắc Kinh kỳ vọng bảo đảm an toàn đầu tư, củng cố quan hệ hợp tác và vị thế của Trung Quốc đối với các quốc gia này.

Đa Chiều cho rằng, việc Tập Cận Bình không gặp mặt nguyên thủ các nước lớn là một động thái ngoại giao "ăn khớp" với tuyên bố của ông tại Đại hội đồng, thể hiện sự "đứng vững lập trường nước đang phát triển".

So với các cựu lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập cũng nhấn mạnh trong bài diễn văn ở LHQ của mình rằng Trung Quốc là nước đang phát triển.

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố luôn đứng cùng cộng đồng các nước đang phát triển, ủng hộ việc gia tăng quyền phát ngôn và tính đại diện của các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, trong hệ thống chính trị quốc tế.

"Một phiếu ở LHQ của Trung Quốc mãi mãi thuộc về các quốc gia đang phát triển." - ông Tập khẳng định.


Việc né nguyên thủ các nước lớn của ông Tập được xem là động thái ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi.

Việc "né" nguyên thủ các nước lớn của ông Tập được xem là động thái ngoại giao để "tranh thủ" sự ủng hộ của các nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi.

Năm 1974, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lần đầu "đăng đàn" tại Đại hội đồng LHQ và trình bày lý luận nổi tiếng của Mao Trạch Đông về "thế giới thứ 3", đồng thời lần đầu tiên nêu ra "Trung Quốc là một nước đang phát triển".

Những người đứng đầu Trung Quốc sau này là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều có 2 lần phát biểu tại Đại hội đồng, nhưng quan niệm ngoại giao mà các ông này truyền bá không nhắc lại ý của Đặng Tiểu Bình.

Đa Chiều bình luận, Tập Cận Bình nhấn mạnh yếu tố "nước đang phát triển" nhằm khơi gợi lại kỳ họp thứ 26 của Đại hội đồng LHQ (1971), khi nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông tuyên bố "chính những người anh em châu Phi đã đưa Trung Quốc đến với LHQ".

Động thái "cố ý né tránh nguyên thủ nước lớn" của Tập Cận Bình cũng được cho là sự kế thừa phong cách ngoại giao của Mao.

Những nguyên nhân khác

Cũng có phân tích chỉ ra, lịch trình hoạt động của Tổng thống Nga Putin tại LHQ là 28-29/9, trong khi chương trình của ông Tập từ 26-28/9. Chính yếu tố thời gian đã giới hạn cơ hội gặp gỡ của lãnh đạo Nga-Trung.

Bên cạnh đó, ông Tập và ông Putin cũng mới gặp nhau hồi đầu tháng 9, khi Tổng thống Nga tới Bắc Kinh dự hoạt động kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã thông báo ông Tập sẽ thăm chính thức nước Anh vào ngày 20/10 và hội kiến Thủ tướng David Cameron, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xác nhận sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay.

Về phía Mỹ, Tập Cận Bình mới có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng hôm 25/9 nên "không cần thiết phải gặp lại quá sớm", Đa Chiều bình luận.


Ông Putin và ông Tập gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 3/9. Ảnh: Xinhua

Ông Putin và ông Tập gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 3/9. Ảnh: Xinhua

Một quan điểm khác về việc Putin-Tập Cận Bình không gặp nhau là bởi hoạt động quan trọng nhất của Tổng thống Nga tại LHQ sau bài diễn văn trước Đại hội đồng chính là hội kiến với Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, "nhu cầu" gặp gỡ ông Tập trở thành thứ yếu.

Tại LHQ, Nga đã tuyên bố thiết lập liên minh độc lập với Mỹ để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS), khiến căng thẳng Nga-Mỹ tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, Trung Quốc "tiến thoái lưỡng nan" nếu phải chọn phe trong vấn đề đối phó ISIS. Nhiều chuyên gia nước này cho rằng, Tập Cận Bình không xuất hiện vào lúc Nga-Mỹ "đấu nhau" mới là hành động khôn ngoan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại