Vì sao Mỹ đợi đến giờ mới "tuần tra 12 hải lý" trên Biển Đông?

Đức Huy |

Theo một nguồn tin giấu tên tiết lộ với New York Times, Nhà Trắng đã quyết định thông qua kế hoạch "tuần tra 12 hải lý" của Mỹ đối với Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo tin từ New York Times, Mỹ đã thông báo cho các đồng minh của mình ở châu Á về kế hoạch tiến hành tuần tra trên biển trong khu vực bán kính 12 hải lý xung quanh các đảo đá nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Các quan chức quốc phòng Mỹ và châu Á đã xác nhận thông tin này với New York Times. Họ cho biết, cuộc tuần tra sắp tới sẽ được coi như một động thái thách thức các hoạt động xây dựng, cải tạo, và quân sự hóa trái phép của Trung Quốc.

Ngoài ra, với việc di chuyển trong khu vực bán kính 12 hải lý, Mỹ sẽ một lần nữa khẳng định họ không công nhận tính hợp pháp của các đảo đá nhân tạo do Trung Quốc ngang nhiên "dựng" lên, đúng với tinh thần Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

Trước đó, các quan chức Philippines cho biết, họ đã được Mỹ thông báo về kế hoạch tuần tra từ vài ngày trước. Ông Antonio Triillanes, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Philippines, đã hoan nghênh động thái này của Washington.

Hôm 12/10 vừa qua tại Boston (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thảo luận kế hoạch tuần tra với các quan chức Australia.

Cuộc họp chiến lược này cũng có sự tham gia của Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, người trước đó đã được Nhà Trắng tham vấn về các lựa chọn thích hợp để đáp trả các động thái ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cùng lúc đó, một cuộc thảo luận kín giữa các nhà nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương cũng diễn ra tại Washington. Tại đây, cố vấn cấp cao về Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink xác nhận Nhà Trắng đã thông qua kế hoạch tuần tra nói trên.

Một nhà nghiên cứu giấu tên tham gia cuộc thảo luận đã tiết lộ thông tin này với New York Times. Người này cũng cho biết, ông Kritenbrink không nói cụ thể khi nào Mỹ sẽ bắt đầu tuần tra, nhưng nói rằng kế hoạch trước đó đã bị hoãn vì chuyến công du của Tập Cận Bình.


Cố vấn cấp cao về các vấn đề Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink. Ảnh: AP

Cố vấn cấp cao về các vấn đề Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink. Ảnh: AP

Chính phủ Tổng thống Barack Obama và các đồng minh Mỹ tại châu Á đã tranh luận rất nhiều để tìm ra cách thức tốt nhất đáp trả các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Có phía ủng hộ tuần tra, nhưng cũng có phía cho rằng điều đó sẽ tạo cớ để Bắc Kinh quân sự hóa.

Về phần mình, Trung Quốc cho biết nước này sẽ có đáp trả tương xứng nếu tàu Mỹ xuất hiện trong khu vực 12 hải lý.

"Trung Quốc sẽ không để yên cho bất kì một quốc gia nào xâm phạm lãnh hải của mình dưới vỏ bọc gìn giữ tự do đi lại trên biển và trên bầu trời" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tuần trước.

Trước đó, trong cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này không hề có ý định quân sự hóa các đảo đá trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo những gì ảnh vệ tinh chụp được, Trung Quốc đã xây dựng trái phép 2 đường băng quân sự trên Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập, đồng thời đã khởi công xây dựng đường băng thứ ba trên Đá Vành Khăn. Cả 3 bãi đá đều thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ảnh vệ tinh cho thấy lớp móng với chiều rộng 60m đã được dựng lên để phục vụ xây dựng đường băng trái phép trên Đá Xu Bi
Ảnh vệ tinh cho thấy lớp móng với chiều rộng 60m đã được dựng lên để phục vụ xây dựng đường băng trái phép trên Đá Xu Bi

Theo New York Times, các quan chức Mỹ cũng không rõ ý của ông Tập trong tuyên bố nói trên là gì, bởi trước đó Chủ tịch Trung Quốc chưa từng phát biểu như vậy tại bất kì một cuộc họp kín nào với ông Obama và các cố vấn cấp cao Mỹ.

Do đó, theo một quan chức quân đội Mỹ, cuộc tuần tra sắp tới sẽ được coi như một phép thử đối với tuyên bố "Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông" này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại