Vì sao đại đa số người dân Nga tin tưởng vào Tổng thống Putin?

Đăng Nguyễn |

Ngay cả khi phương Tây thành công trong việc tiếp tục nhấn chìm nền kinh tế Nga, vị thế của Tổng thống Vladimir Putin sẽ còn được nâng cao ngay ở quê nhà, National Interest nhận định.

Kể từ khi khủng hoảng Ukraine diễn ra vào năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng bị cô lập trong mối quan hệ với phương Tây và Mỹ. Ông Putin bị lên án vì hành động sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga.

Tuy nhiên, ngay tại quê nhà, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga đã lên tới mức kỷ lục. Dưới đây là 5 lý do chứng minh cho quan điểm này.

 - Ảnh 1
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đại đa số người Nga thực sự ủng hộ Tổng thống Putin

Những con số thống kê tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến từ Điện Kremlin. Thay vào đó, con số này đến từ tổ chức độc lập như Trung tâm Levada.

Thống kê của Levada rõ ràng không có lý do để giúp tăng cường củng cố hình ảnh của Điện Kremlin. Trong xã hội hiện đại, ngay cả các cuộc bỏ phiếu độc lập cũng có thể bị tác động bởi yếu tố chính trị.

Tuy nhiên, ngay cả khi xét đến yếu tố này, ông Putin vẫn nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân Nga.

Khủng hoảng Ukraine góp phần tăng cường hình ảnh của ông Putin

Tháng 1/2014, một thời gian ngắn trước khi khủng hoảng Ukraine diễn ra, ông Putin nhận được 65% tín nhiệm. Sau khủng hoảng Ukraine, tỷ lệ tín nhiệm này đã tăng vọt lên mức 89%, ngay cả khi lệnh cấm vận khiến cho nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn.

Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong lịch sử của ông Putin. Năm 2006, nhà lãnh đạo Nga từng nhận được 88% tín nhiệm sau cuộc chiến tranh Nga-Georgia với chiến thắng thuộc về người Nga.

Người dân Nga tín nhiệm ông Putin khác biệt đối với tỷ lệ ủng hộ chính phủ

So sánh với tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Nga Putin, con số này có sự khác biệt khi đề cập đến vai trò lãnh đạo của chính phủ. 58% người dân Nga nói rằng chính phủ chỉ muốn củng cố quyền lực riêng trong khi 60% cho rằng các quan chức chính phủ không có trách nhiệm với xã hội.

 - Ảnh 2
Ông Putin chụp ảnh cùng nữ vận động viên chiến thắng trong Thế vận hội Thanh niên ở Trung Quốc năm 2014.

69% người dân Nga hạn chế đến mức tối đa sự tương tác với chính phủ. Trong hệ thống hành pháp, 41% cho rằng họ tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật.

Những con số này chỉ mang tính chất tham khảo và rõ ràng có sự chênh lệch rõ rệt so với tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Lệnh cấm vận chỉ càng củng cố vị thế của ông Putin

Một số nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm vận sẽ tác động trực tiếp đến người dân Nga. Do đó, Nga sẽ không còn niềm tin vào hành động của ông Putin ở Ukraine. Thậm chí có thể buộc Tổng thống Nga phải lựa chọn lùi bước hoặc đứng trước khủng hoảng ở quê nhà như năm 2011 và 2012.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Kể từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, tỷ lệ người dân Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm vận đã tăng từ 16% đến 33% trong khi số người không chịu ảnh hưởng chỉ còn 15%.

Cũng trong thời điểm này, tỷ lệ ủng hộ ông Putin tiếp tục tăng. 66% người dân Nga cho rằng lệnh cấm vận của phương Tây nhằm “suy yếu và bôi nhọ” nước Nga. Ông Putin được coi là “người cha bảo vệ” cho đất nước khỏi sự tác động của nước ngoài.

Thay vì chỉ chính ông Putin, nhiều người Nga đã chỉ trích phương Tây. Gần một nửa số người Nga nói rằng lệnh cấm vận không chỉ nhằm vào giới chóp bu mà còn trừng phạt những người dân bình thường. Về lâu dài, ông Putin có thể chịu áp lực từ công chúng vốn không chấp nhận đầu hàng phương Tây. Điều này khiến cho việc nhượng bộ trở nên khó khăn hơn.

Ông Putin nhận được sự ủng hộ của phe đối lập ở Ukraine

 
 - Ảnh 3
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ duyệt bình mừng Ngày chiến thắng hồi tháng 5.

Tỷ lệ 89% tín nhiệm ông Putin không thể đạt được nếu như không có sự ủng hộ rộng rãi. Trên thực tế, một số nhà lãnh đạo đối lập đã lên tiếng đồng tình với chính sách của ông Putin về khủng hoảng Ukraine.

Sergei Udaltsov, người từng bị kết án 4,5 năm tù vì biểu tình phản đối ông Putin năm 2011 đã lên tiếng ủng hộ việc sáp nhập Crimea.

Eduard Limonov, một nhà hoạt động chính trị đối lập với ông Putin cũng kêu gọi can thiệp quân sự không chỉ ở miền đông Ukraine mà Nga cần đưa Hạm đội Biển đen đến Odessa.

Không những vậy, nhiều người dân Nga trong tầng lớp trung lưu cũng ủng hộ quan điểm của ông Putin về Ukraine. Nhà báo Ksenia Kirillova nói rằng, đại đa số người dân Nga trong tầng lớp này đều tin vào sự thù địch của phương Tây.

Rõ ràng, ông Putin không phải chịu sức ép mạnh mẽ trong chính sách với Ukraine. Ngay cả blogger nổi tiếng Alexei Navalny hay ông trùm dầu mỏ Nga một thời Mikhail Khodorkovsky đều phản đối việc Nga trao trả bán đảo Crimea về với Ukraine.

Tất cả những yếu tố này chỉ ra rằng, ngay cả khi phương Tây thành công trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga, tỷ lệ ủng hộ ông Putin có thể sẽ còn tiếp tục tăng.

Dù bước tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách phương Tây có tác động đến nước Nga như thế nào, điều quan trọng là trừng phạt Mosow có thể tác động tiêu cực đến người dân Nga hơn là nhằm vào ông Putin.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại