Vì sao cưỡng hiếp trở thành thảm nạn ở Ấn Độ?

Thi Anh |

(Soha.vn) - Những vụ cưỡng hiếp trên phố tại Ấn Độ không phải chỉ đơn giản là về tình dục. Nó thể hiện ham muốn kiểm soát cuộc sống và công việc của phụ nữ. Đàn ông đã tự cho mình quyền sử dụng phụ nữ như một công cụ để trút giận.

Nạn nhân cũng có lỗi?

Sau khi xảy ra vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt khiến nạn nhân tử vong gây chấn động dư luận toàn thế giới hồi cuối năm ngoái, ông Asaram Bapu, một lãnh đạo tinh thần người Ấn Độ cho rằng nạn nhân đã có thể ngăn chặn tai họa xảy ra nếu trước đó, cô gái được các thầy guru (người có uy tín trong cộng đồng Hindu) làm phép. Tập tục này gọi là guru diksha.

"Những người gây tai họa lúc đó đang say xỉn. Nếu cô gái áp dụng tập tục diskha và niệm thần chú Saraswati Mantra, cô ấy chắc hẳn đã không lên chuyến xe buýt sau khi đi xem phim. Mà nếu có lên đi nữa thì đáng ra cô ấy phải cầu xin tha thứ. Nếu cô gái gọi họ (những kẻ cưỡng hiếp) là anh trai và phủ phục dưới chân cầu xin tha thứ, nếu cô ấy nói: ‘em  là một phụ nữ yếu đuối, các anh là anh trai của em’ thì tai họa đã không xảy ra”, kênh truyền hình CNN-IBN của Ấn Độ dẫn lời ông Asaram.


	Biểu tình phản đối nạn cưỡng hiếp ở Ấn Độ

Biểu tình phản đối nạn cưỡng hiếp ở Ấn Độ

Phát biểu trên của ông Asaram Bapu đã gây phẫn nộ trong lòng nhiều người dân Ấn Độ, đặc biệt là các nhà hoạt động vì nữ quyền. Họ cho rằng lời nói của ông Asaram thể hiện tư tưởng muốn nô dịch hóa phụ nữ của đàn ông, một tư tưởng không hề hiếm gặp tại Ấn Độ.

‘Gìn giữ trinh tiết là trách nhiệm của người phụ nữ’

Sự thù ghét đàn bà dường như đã ăn sâu vào xã hội Ấn Độ, một xã hội ám ảnh với sự thuần khiết của phụ nữ.

“Một nền văn hóa mà trong đó, phụ nữ buộc phải giữ gìn trinh tiết trước hôn nhân là một nền văn hóa bệnh hoạn. Với quan điểm ấy, thân thể của phụ nữ chỉ được coi là công cụ sinh sản hoặc để làm đàn ông thỏa mãn”. E.J.Graff của tạp chí The American Prospect cho biết, “Ấn Độ là một đất nước, nơi tồn tại niềm tin cho rằng điều tồi tệ nhất sau một vụ cưỡng hiếp là nạn nhân đã mất đi sự trong trắng và không thể tìm cho mình một tấm chồng. Cuối cùng, giải pháp là kết hôn cùng tên yêu râu xanh”.

Theo đó, gìn giữ trinh tiết là trách nhiệm của người phụ nữ và nếu không đảm đương được điều đó thì họ phải trả giá?


	Thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm nạn cưỡng hiếp

Thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm nạn cưỡng hiếp

Một yếu tố phức tạp nhưng không kém phần quan trọng là việc thay đổi quan điểm coi phụ nữ như tài sản của đàn ông và công nhận họ là những cá nhân, những con người độc lập sở hữu các khả năng không kém gì nam giới.

Theo lời Graff, những vụ cưỡng hiếp trên phố tại Ấn Độ không phải chỉ đơn giản là về tình dục. Nó thể hiện ham muốn kiểm soát cuộc sống và công việc của phụ nữ. Và khi một nền văn hóa như vậy trở nên phổ biến thì đàn ông đã tự cho mình quyền sử dụng phụ nữ như một công cụ để trút giận.

Hiện nay, nhiều người theo đạo Hindu vẫn tiến hành tập tục Sati, tập tục thiêu sống vợ trong đám tang chồng. Ngoài ra, còn có một tập tục khác không kém phần man rợ. Trong đám cưới, nếu gia đình cô dâu không nộp đủ tiền hồi môn cho gia đình chú rể thì nhà rể có quyền tưới dầu hỏa và thiêu sống cô dâu. Theo thống kê năm 2010, cứ 90 phút lại có 1 phụ nữ Ấn Độ tử vong theo cách này. Mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm nhưng những người mộ đạo vẫn tuân thủ tục lệ một cách vô cùng “nghiêm túc”.

Sunny Hundal, một nhà báo Anh, đã nghiên cứu văn hóa Hindu và nhận thấy những nét ảnh hưởng mà nền văn hóa đã tác động lên việc định hình thái độ đối với phụ nữ tại Ấn Độ. Theo Hundal, những tư tưởng thể hiện trong các truyền thuyết, thần thoại Hindu có cái nhìn định kiến về cách cư xử của phụ nữ. Theo đó, nữ giới phải biết phục tùng, làm vợ hiền, dâu thảo.

Hàng loạt vụ cưỡng hiếp tập thể tại New Delhi trong thời gian gần đây cho thấy những căng thẳng mang tính tầng lớp mà xã hội Ấn Độ hiện đại phải đối mặt. Dường như, các vụ tấn công này đều có chung 1 mô-típ: nạn nhân là những cô gái trẻ, có học thức và ra khỏi nhà để đi làm, trong khi kẻ tấn công là những nam thanh niên ở khu vực lân cận. Họ xem những phụ nữ như vậy là hư hỏng và đáng bị hành hạ. Chính thái độ này đã tiếp tay cho những kẻ đồi bại và đẩy tội lỗi cho chính những nạn nhân yếu đuối đáng thương.

Dù ở giai đoạn nào của cuộc đời, phụ nữ Ấn Độ vẫn thuộc quyền sở hữu của đàn ông: cha, chồng hoặc anh em trai. Con người vốn không dễ dàng từ bỏ những gì mình có và nam giới tại Ấn Độ cũng không muốn phải rời bỏ địa vị thống trị mà họ đang nắm giữ.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: thegioi@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại