Vắng Trung Quốc, không ảnh hưởng đến phán quyết về vụ kiện Biển Đông

Thái Dương |

Tòa án Trọng tài Quốc khẳng định, Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của tổ chức này theo luật biển quốc tế.

Sau khi nghiên cứu bản điều trần của Philippines từ ngày 7-13/7 trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ngày 29/10, Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) đã ra thông cáo về vụ việc.

Theo thông báo, cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS.

Quyết định của Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của PCA và việc Philippines quyết định đơn phương tiến hành vụ kiện không hề vi phạm tiến trình giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.

Tòa án Trọng tài Quốc tế còn cho biết, PCA có quyền xét xử các vấn đề mà phía Philippines đệ trình.

Dư luận quốc tế ủng hộ quyết định của Tòa án Trọng tài Quốc tế

Dư luận quốc tế đánh giá phán quyết trên của PCA là thắng lợi bước đầu của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ phán quyết này.

Báo chí Pháp (Le Monde, RFI, AFP...) ngày 30/10 đồng loạt đưa tin về sự kiện này, nhấn mạnh đến phán quyết của PCA và cho rằng cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông chiểu theo UNCLOS, và lời khẳng định của PCA rằng việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện không ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa.

Tờ Thế giới (Le Monde) bình luận rằng, tuần qua là một "tuần đen tối của Trung Quốc" khi phán quyết của PCA được đưa ra ngay sau khi Mỹ quyết định điều tầu khu trục US Lassen vào khu vực 12 hải lý cạnh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tự ý bồi đắp từ những bãi đá, qua đó bác bỏ tham vọng chủ quyền của Trung Quốc, bảo đảm quyền tự do hàng hải tại khu vực này.

Trước đó, ngày 29/10 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố, theo quy định của UNCLOS, phán quyết của PCA sẽ có giá trị pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc. Việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông như vậy là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thượng Nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ đánh giá: “Phán quyết của PCA là một bước đi quan trọng trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế và chống lại mưu đồ áp đặt chủ quyền một cách rất đáng ngờ của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Ông khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các nước đối tác và đồng minh của mình như Philippines nhằm đối phó với những yêu sách phi lý của Trung Quốc thông qua việc tiếp tục tuần tra để đảm bảo quyền tự do hàng hải như tàu USS Lassen đã làm ngày 27/10 vừa qua.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington đã mô tả kết quả này là “một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc" khi PCA bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng Philippines đã không thực hiện đủ việc đàm phán để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.

Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng phán quyết của Tòa là một cú sốc lớn đối với Trung Quốc và phản biện mạnh mẽ lập luận cho rằng Philippines đã không nỗ lực để đàm phán vấn đề này với Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, Trung Quốc là một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, vị thế về ngoại giao của Bắc Kinh bị tổn hại rất nhiều nếu Tòa ra phán quyết nước này vi phạm một trong các quy định của Liên Hợp quốc.

Trung Quốc từng ra yêu sách "Đường 9 đoạn" bao trọn Biển Đông và tiến hành một loạt các hoạt động cải tạo phi pháp trên các bãi đá tại đây nhằm tạo sự đã rồi. Động thái này đã vấp phải phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ.

Ngày 27/10 vừa qua, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào trong khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá nói trên.

Đây được coi là một thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ nhằm vào tuyên bố chủ quyền phi lý của phía Trung Quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại