Quy tắc bất thành văn của giới lãnh đạo Trung Quốc
Đa Chiều cho hay, mặc dù Hội nghị trung ương 5 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc mới kết thúc vào hôm qua (29/10), song những thông tin được dư luận quan tâm như thay đổi lớn về nhân sự, cơ thế... vẫn chưa được tiết lộ ngay.
Tuy nhiên, theo Đa Chiều, một dự đoán có phần bất ngờ của giới quan sát là ông Tập Cận Bình có thể sẽ thay đổi quy tắc "7 lên 8 xuống" của đảng CSTQ, nhằm cho phép Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn tiếp tục giữ chức tới sau đại hội đảng XIX.
Trang Sohu (Trung Quốc) từng dẫn lời Vương Kỳ Sơn nói khi kiểm tra hệ thống cán bộ về hưu hôm 7/2/2015: "Nếu không vì nhiệm vụ thì hiện nay tôi đã là một trong số các vị (cán bộ về hưu).
Nếu tôi là một Cục trưởng thì đã về hưu nhiều năm rồi. Nếu tôi là Thứ trưởng hay Bộ trưởng, thì nay cũng đến lúc rút lui."
Tuy nhiên thông tin này sau đó đã bị trang Sohu xóa bỏ. Trước đó, khi ông Vương mới giữ chức Bí thư CCDI vào năm 2013, đã có những phân tích chỉ ra nhiều khả năng ông chỉ giữ chức vụ này trong 1 nhiệm kỳ do vấn đề tuổi tác.
"Vấn đề tuổi tác" là một quy tắc bất thành văn trong hệ thống quan chức Trung Quốc, tức các cấp cán bộ khác nhau đều có hạn chế về độ tuổi tuổi về hưu.
Tuổi về hưu của các quan chức cấp Vụ, Sở, Cục hay cấp phó Bộ là 60, trường hợp đặc biệt có thể là 65, trong khi các thành viên Bộ chính trị Trung Quốc có thể được "nới" thời gian công tác đến khoảng 70 tuổi.
Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm khác, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".
7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa XVIII (hàng đầu) tại tiệc mừng năm mới ngày 30/12/2012, tổ chức tại Đại kịch viện Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua
Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIX của đảng CSTQ sẽ được tổ chức vào mùa thu năm 2017 tại Bắc Kinh.
Tính đến thời điểm đó, ông Vương Kỳ Sơn - sinh tháng 7/1948 - đã hơn 69 tuổi và gần với độ tuổi về hưu của Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến ông có thể không thể tiếp tục giữ chức Bí thư CCDI sau năm 2017.
Tuy vậy, Đa Chiều chỉ ra, "7 lên 8 xuống" không chỉ là một "quy tắc ngầm", mà cũng là một quy tắc mới.
Ví dụ, hồi năm 1997, ông Giang Trạch Dân khi đó 71 tuổi vẫn được giữ chức vụ Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc sau đại hội XV, và đến năm 78 tuổi cựu lãnh đạo này mới rút khỏi chức vụ Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Đối với nguồn gốc quy tắc bất thành văn này, những cơ quan đứng đầu nhà nước Trung Quốc chưa từng đưa ra thông báo hoặc xác nhận, nhưng theo Đa Chiều, "7 lên 8 xuống" có khả năng bắt đầu từ đại hội XVI của đảng CSTQ (2002).
Quy tắc này sau đó đã được trung ương Trung Quốc duy trì trong 2 kỳ đại hội XVII, XVIII, nhưng chưa rõ về khả năng "ứng nghiệm" của nó ở kỳ đại hội vào 2 năm tới.
Ông Tập sẽ thay đổi quy tắc bất thành văn được duy trì từ năm 2002? (Ảnh minh họa)
Sự hợp tác ăn ý của "bộ đôi" Tập-Vương
Đa Chiều bình luận, trong quá trình Trung Quốc thực hiện thể chế lãnh đạo tập thể thông qua Bộ chính trị luôn xuất hiện những trường hợp người đứng đầu có mối quan hệ hợp tác thân cận hơn với một đồng nghiệp.
Ví dụ như Triệu Tử Dương và Hồ Khởi Lập của Bộ chính trị khóa XIII; Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ khóa XIV, XV; Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo khóa XVI, XVII.
Hiện nay, ông Tập Cận Bình được cho là hợp tác chặt chẽ với ông Vương để thực hiện chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi", trong đó Bí thư CCDI là người trực tiếp "cầm trịch" hoạt động điều tra, bắt giữ và xử lý các "hổ lớn" trước khi chuyển sang trình tự tư pháp.
Giới quan sát cho rằng, tuổi tác hiển nhiên là một nhân tố quan trọng, tuy nhiên xét đến vai trò quan trọng cũng như năng lực thực tế của Vương Kỳ Sơn đối với chiến dịch chống tham nhũng, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực "vượt rào" khỏi thông lệ vẫn là có thể.
Ông Tập Cận Bình trao đổi với ông Vương Kỳ Sơn tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: Xinhua
Đa Chiều tiết lộ, ông Vương từng phát biểu không chính thức trong một cuộc gặp mặt rằng ông "tâm phục khẩu phục" tư tưởng và đường lối cầm quyền của Tập Cận Bình.
Trên thực tế, Tập Cận Bình cũng có quan điểm tương tự đối với Vương Kỳ Sơn. Ông Tập từng khen ngợi ông Vương tại Hội nghị công tác chính pháp Trung ương vào tháng 1/2014 và trong 2 lần phát biểu không công khai ở Hội nghị toàn thể CCDI.
Kể từ khi ông Tập khởi động chiến dịch chống tham nhũng, mối quan hệ mật thiết giữa người đứng đầu Trung Quốc và Bí thư CCDI cũng được truyền thông quốc tế nhìn nhận. Hai ông Vương, Tập được cho là "có nhận thức chung cao độ" đối với vấn đề "đả hổ đập ruồi".
Điều này thể hiện rõ nhất ở việc "lưỡi kiếm" của CCDI không ngần ngại nhằm vào những nhân vật cấp cao, bao gồm trong quân đội.
Trong đó, đáng kể nhất là vụ "ngã ngựa" của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu vào tháng 6/2014. Từ là tướng lĩnh cấp cao nhất Trung Quốc bị xử lý kể từ khi chiến dịch "đả hổ" bắt đầu.
Một tháng sau đó, cuối tháng 7/2014, một cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc là Chu Vĩnh Khang - người từng đứng đầu hệ thống an ninh Trung Quốc dưới thời cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào - cũng bị Bắc Kinh tuyên bố điều tra.
Đa Chiều nhận xét, nếu không có sự hỗ trợ hết sức từ chính ông Tập Cận Bình thì CCDI khó có khả năng phát huy và duy trì sức mạnh "đả hổ" như những gì đang diễn ra.
Với chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, Trung Nam Hải hiện nay thậm chí đã có thể công khai cảnh cáo các quan chức, lãnh đạo về hưu của nước này phải "yên phận" và không được tìm cách gây ảnh hưởng chính trị lên hệ thống đương nhiệm.
Trước Hội nghị trung ương 5, Bắc Kinh đã công bố văn kiện kỷ luật đảng "nghiêm khắc nhất trong lịch sử", gồm "Quy tắc chuẩn về kỷ luật và liêm khiết của đảng CSTQ" cùng với "Điều lệ xử lý kỷ luật đảng CSTQ".
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã khởi xướng tư tưởng "ỷ pháp trị quốc", hiện thực hóa mục tiêu quản lý quốc gia theo hướng hiện đại mà tiền đề là nỗ lực xây dựng quy chế quản lý kỷ luật đảng chặt chẽ của Vương Kỳ Sơn và CCDI.
Các nhà quan sát đánh giá, sự phối hợp ăn ý của 2 ông Tập, Vương có liên quan chặt chẽ với bối cảnh gia đình và trải nghiệm cá nhân có sự bổ khuyết cho nhau.
Trong khi Tập Cận Bình là con trai của nguyên lão cách mạng Trung Quốc Tập Trọng Huân, thì ông Vương là con rể của Diêu Y Lâm, một lão thành cách mạng khác.
Bên cạnh bối cảnh tương đồng, việc 2 nhà lãnh đạo này duy trì được mối quan hệ bạn hữu cá nhân cũng như chuyên nghiệp trong công việc suốt 40 năm qua là điều không thường thấy trên chính trường Trung Quốc.
Chính vì vậy, Đa Chiều cho rằng, dù ông Vương Kỳ Sơn bước sang tuổi 69 ở đại hội XIX thì vẫn không thể loại trừ khả năng ông được "phá lệ" để tiếp tục công tác tại CCDI.
Động thái này nếu trở thành sự thực, hiển nhiên sẽ nhằm khởi đầu giai đoạn "trị tận khốc" vấn đề tham nhũng mà Bắc Kinh đề ra, cũng như duy trì mối quan hệ hợp tác đang rất hiệu quả giữa hai ông Tập-Vương cho tới hết nhiệm kỳ lãnh đạo của ông Tập.