Ukraine: Dân miền Đông có mong chờ "Ngày bình yên"?

Phạm Khánh |

Chỉ còn 1 ngày nữa, "Ngày bình yên" sẽ chính thức có hiệu lực. Chính phủ Ukraine dùng mọi cách để quyết tâm thống nhất đất nước. Nhưng liệu người dân miền đông còn lắng nghe họ?

Với mẹ là người Ukraine, còn cha là người Nga, bà Luda Nesterenko, 47 tuổi, giống như rất nhiều người ở miền Đông Ukraine, có dòng máu pha trộn Ukraine - Nga.

Cách đây một năm, bà không nghĩ quá nhiều đến quốc tịch của mình. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác.

Bà đã khóc rất nhiều khi đứng cạnh ngôi nhà của mình, tài sản mà bà giành giụm cả đời mới có được, đã bị đạn pháo phá hủy.

Khung cảnh đổ nát ở miền Đông Ukraine.

Theo tờ Los Angeles Times (LAS), vừa khóc vừa chỉ vào đống đổ nát của cái nơi đã từng là chỗ che mưa che nắng cho bà cùng hai con, bà nói: "Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này? Chính phủ nào? Chúng tôi là những người bình thường và chăm chỉ làm việc.

Chúng tôi chưa bao giờ chiến đấu với bất kỳ ai, nhưng đột nhiên chúng tôi trở thành kẻ thù và dường như Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang muốn giết chúng tôi”.

Đối với những người dân ở miền Đông Ukraine như bà Nesterenko, sự giao tiếp mà họ nhận được từ Kiev chỉ đến dưới hình thức bom đạn, và những thường dân dường như bị bỏ lại để hứng chịu những hậu quả chiến tranh.

Sự bất bình của người dân miền đông Ukraine với Kiev càng trở nên trầm trọng sau khi Tổng thống Poroshenko tuyên bố sẽ cắt đứt hoàn toàn các nguồn chi trả ngân sách cùng các dịch vụ công như ngân hàng, trường học, bệnh viện ở các khu vực do ly khai kiểm soát.

Mặc dù, Liên Hợp Quốc ước tính, hơn 1 triệu người dân Ukraine đã rời các khu vực xung đột ở miền Đông, nhưng hiện vẫn có tới hơn 3 triệu người đang sống ở các khu vực do Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng kiểm soát.

Trong khi một số thừa nhận, họ ở lại vì ủng hộ lực lượng ly khai, thì một số cho biết họ ở lại vì không đủ sức khỏe và không có tiền để rời đi, hoặc không thể bỏ đi một mình, để những người già trong gia đình ở lại.

Quân đội Ukraine trong một cuộc giao tranh tại miền Đông Ukraine.

Hiện tại, theo LAS, trên khắp miền đông Ukraine, người dân đều có cảm giác rằng Kiev sẽ không quan tâm tới họ nữa dù họ phải ở lại vì không có nơi nào khác để đi.

Bà Nesterenko bức xúc:"Theo hộ chiếu, tôi vẫn là công dân Ukraine nhưng Kiev dường như đã quên chúng tôi”.

Ảnh hưởng của việc phong tỏa tài chính đối với các khu vực ly khai kiểm soát ở miền Đông có thể sẽ rất tồi tệ.

Những công chức viên chức như giáo viên, bác sĩ và những người nghỉ hưu đã không được trả lương trong suốt 5 tháng qua.

Giờ các chi nhánh ngân hàng địa phương ở đây còn bị cắt khỏi hệ thống ngân hàng trung ương Kiev nên người dân sẽ không thể rút tiền được nữa.

Nếu được trả lương, họ sẽ phải đi đến ngân hàng ở các nơi khác rất xa để rút tiền.

Không có tiền để mua lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác, hàng ngàn người đang sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ Nga.

Tuần trước, lãnh đạo ly khai tuyên bố sẽ thành lập một quỹ lương hưu, dịch vụ bưu chính và hệ thống ngân hàng riêng cho khu vực này.

Họ cũng cho biết sẽ tái quốc hữu hóa các mỏ than cũng như các ngành công nghiệp nặng để tạo việc làm cho người dân nơi đây.

Lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.

Trong hầu hết các thành phố và thị trấn, người về hưu đang phải xếp hàng trong giá rét để nhận những túi đựng đầy mỳ ống, sữa hộp và thuốc men từ tổ chức nhân đạo do một nhà tài phiệt địa phương thành lập và hàng cứu trợ từ Nga.

Một người dân có tên là Petr Panko cũng bày tỏ sự phẫn nộ với chính phủ Kiev khi nhà của ông ở Ilovaisk cũng bị đạn pháo bắn chằng chịt, trong khi các ngôi nhà xung quanh bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Còn một người khác, tên Oleg Plahotin cho biết, ngôi nhà rộng lớn mà ông vừa xây dựng lại cách đây không lâu đã trở thành đống đổ nát.

Ông bùi ngùi tiếc nuối: "Đó là một ngôi nhà rất đẹp... và giờ nó thành ra thế này đây”.

Trước đây, thị trấn Ilovaisk có khoảng 15.000 dân và từng là một trung tâm đường sắt yên bình.

Nhưng tháng Tám vừa qua, nó đã trở thành nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất trong hơn 7 tháng qua tại miền Đông Ukraine.

Các cuộc giao tranh đã kéo dài 7 tháng qua tại miền Đông Ukraine.

Hầu hết người dân Ilovaisk coi lực lượng ly khai là hy vọng duy nhất để bảo vệ họ trước cái mà họ cho là chủ nghĩa dân tộc Ukraine đang tìm cách xóa sổ những vùng nói tiếng Nga ở nước này.

Plahotin cũng giống như bà Nesterenko chẳng bao giờ quan tâm đến quốc tịch của mình trước khi xung đột nổ ra.

Các anh chị em của ông Plahotin sống ở thành phố miền trung Vinnytsia, Ukraine, nơi Tổng thống Poroshenko đã từng lớn lên.

Các cuộc nói chuyện điện thoại giữa họ ngày càng căng thẳng do quan điểm khác nhau về Kiev.

Ông Plahotin nói: "Họ nghĩ mọi người ở đây là kẻ thù và những người ở đây cũng nghĩ về những người ở phía tây như vậy.

Họ sống gần Kiev hơn vì vậy họ ủng hộ phía đó. Tôi không nghĩ Ukraine sẽ thống nhất, đoàn kết được lại".

Ở miền tây và miền trung Ukraine, cuộc khủng hoảng đã giúp nuôi dưỡng một ý thức mới về lòng yêu nước tại một đất nước vẫn còn đấu tranh để tìm bản sắc quốc gia sau 23 năm độc lập.

Tuy nhiên, nó cũng gây chia rẽ ngay trong các gia đình giữa một bên thân Nga và một bên thân phương Tây.

Nhiều người dân miền Đông Ukraine cho rằng, họ đang là nạn nhân của cuộc chiến ý thức hệ giữa Nga và phương Tây.

Zhenya Shibalov, một nhà báo từ Donetsk cho biết: "Ukraine nghĩ đang có chiến tranh với Nga, Nga nghĩ đang có chiến tranh với Mỹ, còn những người ở Donbas chỉ muốn biết lý do tại sao tất cả những điều này lại xảy ra trong ngôi nhà của họ".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại