Khủng hoảng này cũng đánh dấu sự trở lại của Mỹ trên sân khấu châu Âu.
Theo ông Thomas Gomart, chuyên gia Viện quan hệ quốc tế của Pháp, khi sáp nhập vùng Crimea vào Nga một cách nhanh chóng như thế, Tổng thống Vladimir Putin đã khiến Phương Tây “sững sờ."
EU đã thi hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào những nhân vật của Nga và thân Nga ở Ukraine nhưng chuyên gia Gomart cho rằng những biện pháp trừng phạt đó "không tương xứng với tầm mức của vấn đề."
Có thể nói EU hiện nay đang là nạn nhân của tình trạng phụ thuộc về mặt năng lượng và kinh tế vào Nga. Châu Âu đang ở thế yếu, rốt cuộc chính Mỹ đã vượt lên tuyến đầu để đáp lại những lo ngại của các nước thuộc khối Liên Xô trước đây.
Trong những năm gần đây, Washington đã phần nào bỏ rơi châu Âu để xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng khủng hoảng Ukraine buộc Mỹ phải quay lại châu Âu, cụ thể qua việc điều 6 chiến đấu cơ F-16 đến Ba Lan và qua chuyến công du của Phó Tổng thống Joe Biden đến Ba Lan và 3 nước vùng Baltic.
Tuy vậy, trong cuộc đọ sức hiện nay với Phương Tây, với tư cách ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, Nga vẫn còn nắm một số con chủ bài. Không có Moskva thì sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề Syria, cũng như vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên.