Ukraine cảnh cáo Nga: Ra khỏi căn cứ ở Crimea là hành vi xâm lược

Chí Quân |

(Soha.vn) - Trong tuyên bố trao cho ông Andrei Vorobyov, đại diện ngoại giao Nga, Ukraine yêu cầu lực lượng quân đội Nga đóng ở cảng Sevastopol ở nguyên trong căn cứ.

Ukraine khẳng định sẽ nhìn nhận bất cứ động thái nào của quân đội Nga tại Crimea bên ngoài phạm vi căn cứ của Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol như một hành động xâm lược.

Hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đã triệu đại diện ngoại giao Nga ở Kiev, đồng thời thúc giục tham vấn khẩn cấp với Moscow sau việc chiếm giữ tòa nhà chính phủ và trụ sở quốc hội nước cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine.

Trong tuyên bố bằng văn bản trao cho ông Andrei Vorobyov, đại diện ngoại giao Nga, Ukraine yêu cầu lực lượng quân đội Nga đóng quân ở cảng Sevastopol ở nguyên trong căn cứ.

Hôm thứ Bảy tuần trước, phía Nga đã triệu đại sứ của mình từ Kiev về Moscow để tham vấn, sau khi quốc hội Ukraine phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych. Hôm nay, tình hình tại Ukraine lại nóng lên khi một nhóm vũ trang được cho là người Nga ly khai tấn công, chiếm giữ tòa nhà chính phủ và trụ sở quốc hội Ukraine, đồng thời treo cờ Nga tại các công trình này.

Những người này chưa đưa ra yêu cầu cụ thể nào, song đã ném pháo sáng ra ngoài để đáp lại câu hỏi của một số nhà báo. Họ đeo dải băng màu đen và da cam, một biểu tượng chiến thắng của Nga trong Thế chiến 2, đồng thời dựng biển có dòng chữ “Crimea là nước Nga”.

Cũng trong hôm nay, chiến đấu cơ Nga ở khu vực biên giới phía Tây tiếp giáp với Ukraine đã được lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu cao.

Hãng Interfax dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết "Các cuộc tuần tra liên tục sẽ được tiến hành bởi máy bay chiến đấu tại các khu vực biên giới. Từ thời điểm nhận được tín hiệu báo động cao, lực lượng không quân tại khu vực quân sự phía tây đã di chuyển đến các căn cứ không quân gần biên giới".

Phản ứng trước các diễn biến nói trên, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radosław Sikorski cho rằng, việc chiếm các tòa nhà chính quyền ở Crimea là “một bước tiến nguy hiểm”, có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột khu vực. “Tôi thấy cần phải cảnh báo những người đã thực hiện hành động này cũng như những người đã cho phép nó xảy ra, vì điều này có thể dẫn đến xung đột khu vực”, ông Radosław Sikorski nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến tại Crimea cũng như nguy cơ đất nước Ukraine bị chia tách.

Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rassmussen tỏ ra quan ngại về tình hình tại Crimea, đồng thời hối thúc Nga không nên có những hành động làm "leo thang căng thẳng và gây hiểu nhầm".

Ukraine hiện đã đặt lực lượng cảnh sát trong tình trạng báo động cao.

Crimea từng là một phần của Đế quốc Nga trong gần 200 năm trước khi được lãnh đạo Liên Xô là Nikita Khrushchev cắt cho Ukraine vào năm 1954. Tại đây, đa số người dân nói tiếng Nga và có tư tưởng thân Nga.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại