Ukraine: Cả 2 phe đều vờ rút vũ khí hạng nặng khỏi miền Đông

Minh Thu |

Ngay cả OSCE, cơ quan giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông Ukraine, cũng không thể khẳng định các bên tham chiến đang rút lui vũ khí khỏi vùng chiến sự hay chỉ là tái bố trí lực lượng.

Sau 10 tháng giao tranh căng thẳng, cả quân chính phủ Kiev và phe ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine đều khẳng định họ đang tiến hành rút lui các loại vũ khí hạng nặng khỏi khu vực chiến tuyến theo yêu cầu của thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2.

Tuy nhiên, hiện nay, không ai có thể kiểm chứng những thông tin về việc các loại vũ khí hạng nặng đã thực sự được rút khỏi chiến trường.

Và điều này đã gây không ít hoang mang cho người dân sinh sống trong vùng chiến sự về tính hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn.

Ngay cả giới quan sát viên OSCE cũng không thể khẳng định các bên tham chiến tại miền đông Ukraine đang rút lui vũ khí hay chỉ là tái bố trí lực lượng.

Chia sẻ với kênh France 24, một người đàn ông mang tên Tamara Slivinskaya (61 tuổi) cho hay ông đã sống với bom đạn ở vùng chiến sự trong vòng 7 tháng.

Do đó, thông tin hai bên giao tranh đang tiến hành rút quân và vũ khí là điều vô cùng quan trọng với ông.

Tuy nhiên, với người đàn ông này, khi không được tận mắt chứng kiến và kiểm chứng, độ xác thực thông tin vẫn nằm trong vòng nghi vấn và hiệu lực của thỏa thuận ngừng bắn vẫn rất mong manh.

“Họ nói rằng phe ly khai đang rút lui và quân chính phủ Ukraine cũng vậy.

Nhưng chừng nào tôi chưa được tận mắt chứng kiến hình ảnh này thì tôi cũng chưa thể tin thông tin đó là sự thật”, ông Slivinskaya nói khi đang đứng xếp hàng chờ nhận hàng cứu trợ tại khu vực quảng trường ở Debaltseve, một thành phố chiến lược đang nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy.

Thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 đã được các bên liên quan tới cuộc chiến tại miền đông Ukraine ký kết hôm 12/2 tại thủ phố của Belarus.

Theo đó, thỏa thuận ngừng bắn kêu gọi cả quân chính phủ Kiev và phe nổi dậy miền đông Ukraine rút lui toàn bộ xe tăng và pháo binh ra khỏi khu vực vùng đệm rộng từ 50 – 140 km.

Ngoài ra, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được giao trách nhiệm giám sát các bên tham chiến tại miền đông Ukraine, thi hành thỏa thuận này.

Ban đầu, các bên còn tỏ ra chần chừ khi thực hiện lời kêu gọi. Nhưng sau đó, nhiều thông tin khẳng định họ đã bắt đầu rút lui cả vũ khí và binh sĩ. Ngoài ra, tình hình giao tranh cũng đang có dấu hiệu lắng dịu tại nhiều khu vực miền đông Ukraine.

Hôm 28/2, phát ngôn viên quân sự Ukraine Anatoliy Stelmakh cho hay các lực lượng quân chính phủ Kiev đã hoàn thành giao đoạn đầu trong chương trình rút lui các khẩu súng cối cỡ nòng trên 100 mm.

“Giai đoạn di chuyển vũ khí lần thứ hai sẽ được thực hiện ngay khi chúng tôi nhận được mệnh lệnh”, France 24 dẫn lời ông Stelmakh.

Trong khi đó, thủ lĩnh Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Alexander Zakharchenko cũng khẳng định lực lượng ly khai đã hoàn thành rút lui 90% số vũ khí hạng nặng.

Tuy nhiên, Kiev lại cáo buộc quân nổi dậy chỉ tiến hành tái bố trí vũ khí xung quanh khu vực chiến tuyến hoặc là sáng đưa đi chỗ khác thì tối lại kéo về cũ chỗ.

Còn theo tuyên bố hôm 2/3 của OSCE, “các bên vẫn chưa thông báo về vị trí di dời vũ khí”.

Nói cách khác, OSCE muốn cả quân chính phủ Kiev và phe nổi dậy thông báo một cách chi tiết về “vị trí các vũ khí quân sư hiện đang được triển khai, hành trình di chuyển số vũ khí này và nơi mà số vũ khí hạng nặng sau khi được di chuyển sẽ được cất giữ”.

Trong những ngày gần đây, OSCE cũng đã ghi nhận được một vài hoạt động di chuyển vũ khí thực tế khỏi vùng chiến sự miền đông.

Điển hình như hôm 27/2, các quan sát viên OSCE đã phát hiện một đoàn xe chở theo 5 hệ thống phóng rocket đa nòng Grad ở thành phố Donetsk di chuyển theo hướng “đi ra khỏi khu vực chiến tuyến”.

Các binh sĩ phe ly khai tham gia khóa huấn luyện tập bắn súng tại Donetsk hôm 1/3.

Song trong nhiều trường hợp, OSCE không thể khẳng định các bên rút lui vũ khí hạng nặng khỏi vùng giao tranh hay chỉ là tái bố trí lực lượng.

Như tại thị trấn Ilovaisk, cách thành phố Donetsk 30 km về phía đông, các quan sát viên OSCE chỉ ghi nhận là nhìn thấy “8 chiếc xe tải quân sự và 3 chiếc xe buýt đi về khu vực phía nam” và không thể đưa ra thêm thông tin chi tiết về hoạt động của đoàn xe này.

Tuy nhiên, OSCE cũng từng đi theo 2 đoàn xe chở vũ khí ở thành phố Lugansk vốn thuộc sự kiểm soát của phe ly khai tới vị trí tập kết cuối cùng.

Có thể nói, sự nghi ngờ chính là một trong những lý do cản trở hoạt động giám sát của OSCE bởi cả hai bên tham chiến tại miền đông Ukraine đều không hay biết danh tính của các thành viên OSCE trong khi họ phải cung cấp những thông tin bí mật chi tiết như số lượng vũ khí, vị trí di chuyển hay model của các loại vũ khí.

Còn các binh sĩ luôn nghi ngại tiết lộ những thông tin này vì sợ chúng không may rơi vào tay tình báo của đối phương.

Theo hãng tin Reuters, vào chiều ngày 2/3, trong cuộc trao đổi điện thoại bốn bên, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, đã nhất trí với đề xuất của chính phủ Ukraine về việc đề nghị OSCE giúp đỡ giám sát thỏa thuận ngừng bắn thi hành tại miền đông.

Phát ngôn viên chính phủ Đức, ông Steffen Seibert nhấn mạnh lãnh đạo các nước còn hối thúc hai bên tham chiến tại Ukraine nhanh chóng thực hiện trao đổi tù binh và hỗ trợ hoạt động cứu trợ nhân đạo tại vùng chiến sự.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo bốn nước cũng đồng thuận với ý kiến khuyến khích các quan sát của OSCE đóng vai trò chủ động hơn trong tiến trình giám sát việc thi hành thỏa thuận ngừng bắn và rút lui vũ khí khỏi vùng chiến sự.

Theo đó, OSCE được yêu cầu công bố các bản báo cáo theo từng ngày về mọi diễn biến tại khu vực miền đông Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại