Hãng tin Press TV cho hay, Israel đã bác bỏ động thái mới của "Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cô lập" trong việc bình thường hóa quan hệ song phương và tuyên bố không nhượng bộ thêm nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt đứt quan hệ với Israel năm 2010 sau một cuộc đột kích của đặc nhiệm Israel nhằm vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ khi nó đi về hướng dải Gaza, khiến 9 công dân Thổ thiệt mạng.
Mới đây, hôm 13/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhắc lại điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Ông này cho hay, Israel đã xin lỗi và chấp nhận bồi thường thiệt hại, song vẫn chưa dỡ bỏ phong tỏa dải Gaza.
Tuy nhiên, các quan chức Israel đã bác bỏ yêu cầu từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi đã xin lỗi và sẵn sàng bồi thường thiệt hại. Ông ta nên dừng nói những điều vô nghĩa về việc dỡ bỏ phong tỏa dải Gaza", một quan chức giấu tên Israel khẳng định với tờ Jerusalem Post. "Chúng tôi sẽ không làm gì thêm nữa cho việc bình thường hóa này".
Trong thời gian này, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều tuyên bố mang tính xây dựng đối với việc bình thường hóa quan hệ với Israel.
Trả lời phóng viên báo chí, ông Erdogan khẳng định, việc bình thường hóa quan hệ với Israel là điều tốt đối với toàn bộ Trung Đông: "Khu vực này chắc chắn cần điều đó".
Thậm chí, theo tờ Jerusalem Post, sau nhiều năm phản đối, gay gắt chỉ trích Israel, đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ cho phép người Do Thái ở nước này tổ chức lễ hội Hunukkah.
"Cuộc tấn công quyến rũ" của Ankara với Tel Aviv bắt đầu sau khi bị Moscow áp đặt nhiều biện pháp cấm vận trong thời điểm căng thẳng trong quan hệ Nga-Thổ vẫn chưa thể hạ nhiệt.
Tờ Jerusalem Post dẫn lời chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng ông Erdogan đang nghĩ về việc bù đắp tổn thất, giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga, đặc biệt là sau căng thẳng trong quan hệ Nga-Thổ khiến Nga dừng đàm phán dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.
Phóng viên Selin Nasi (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng đồng tình với các quan điểm trên khi cho rằng, cuộc khủng hoảng mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trải qua sau vụ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 Nga, "không còn nghi ngờ gì", chính là động lực chính đằng sau hành động xích lại gần Israel của Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo sư Efraim Inbar, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat tại Đại học Bar-Ilan (Israel) chỉ ra rằng, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Israel vẫn còn rất nhiều giá trị.
"Nước này có các mỏ dầu khí có thể trở thành nguồn năng lượng mới, ảnh hưởng của nước này ở Washington có thể giúp bớt đi một vài sự chỉ trích đối với cách hành xử thất thường của ông Erdogan với Nga.
Israel có thể trở thành một nhân tố mạnh mẽ trong khu vực, đối trọng với một Iran đang ngày càng trỗi dậy".
Press TV dẫn lời một quan chức Israel giấu tên khác nhận định: "Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cô lập.
Ankara dường như muốn bình thường hóa quan hệ với Israel, và đặc biệt là quan tâm đến thỏa thuận khí đốt mà qua đó, Israel sẽ xây dựng một đường ống dẫn khí từ các giếng dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực khác trên thế giới".
Ông này đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng lo ngại về mối quan hệ hợp tác về khí đốt đang ngày càng khăng khít giữa Israel và Hy Lạp và Cyprus (đảo Síp).
Còn theo bà Nasi, Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm tới việc cân bằng trục Nga, Cyprus và Ai Cập ở Địa Trung Hải. "Việc làm tan băng trong quan hệ Thổ - Israel sẽ giúp Ankara vượt qua tình trạng bị cô lập trong khu vực".
Tuy nhiên, nữ bình luận viên này không tin rằng quan hệ song phương Thổ Nhĩ Kỳ, Israel nhiều khả năng sẽ không thể nhanh chóng ấm lại hay gần gũi như một thập kỷ trước.