Sau chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đầu tháng 4, phía Mỹ đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn về việc sẵn sàng can thiệp quân sự nếu Trung Quốc có các hành động lấn tới đưa quân lên vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Thiếu tướng Chu Thành Hổ, giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Mỹ có 3 dụng ý khi đưa ra những lời lẽ cứng rắn này và đều không mấy ảnh hưởng đến các quyết sách của Trung Quốc.
Theo giáo sư Chu, những tuyên bố của Mỹ đều rất mơ hồ, đặc biệt là về việc “Trung Quốc đưa quân chiếm Senkaku/Điếu Ngư” - vốn ít khả năng sẽ xảy ra. Thêm vào đó, những lời tưởng chừng “đe dọa” kia chỉ nhằm mục đích khích lệ đồng minh Nhật Bản, còn Mỹ thì gián tiếp thừa nhận sẽ chỉ đứng ngoài trong các vụ tranh chấp.
Chu Thành Hổ đã dẫn chứng tình hình ở Ukraine hiện tại và cho rằng Mỹ lo sợ Trung Quốc sẽ học theo cách làm của Nga, nên buộc phải đưa ra những lời cảnh cáo để chiếm thế thượng phong, đồng thời viện cớ này để biện minh cho sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương.
Viên tướng này lớn tiếng cho rằng, về bản chất, tại những quần đảo như Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc có thể dễ dàng kiểm soát và đánh bại đối phương bằng các loại vũ khí như hỏa tiễn hay không kích - cũng là lựa chọn hàng đầu nếu Bắc Kinh quyết định “động binh”. Do đó, tướng Chu khẳng định tuyên bố “Mỹ sẽ ra tay nếu Trung Quốc đưa quân chiếm đảo” là vô nghĩa.
Về phần mình, nhà nghiên cứu Lương Vân Tường từ Đại học Bắc Kinh lại cho rằng, những lời lẽ cứng rắn của ông Hagel thực chất là nhằm vào Nhật Bản và việc "hù doạ" Trung Quốc không triển khai quân tại Senkaku/Điếu Ngư cũng chính là lời răn đe tương tự với Nhật Bản, bởi động thái này có thể gây ra xung đột và nhiều hậu quả khó lường khác nữa.
Một tướng diều hâu khác của Trung Quốc là Dịch Trác cũng mạnh miệng đánh giá rằng, Trung Quốc sẽ không đánh chiếm Senkaku/Điếu Ngư mà sẽ ưu tiên lựa chọn các phương án khống chế, phòng ngự nhằm quyền kiểm soát khu vực này.
Theo Dịch Trác, những phát ngôn cứng rắn của Mỹ thực chất chỉ nhằm khẳng định với các nước đồng minh về quyết tâm thực hiện chính sách tái cân bằng ở Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đang phải đối đầu với Nga ở Đông Âu như hiện nay, Mỹ hoàn toàn không muốn lâm vào một cuộc đối đầu khác với Trung Quốc ở Thái Bình Dương và vị vậy, những tuyên bố của Washington khó có thể đi đôi với hành động.