Các học thuyết quân sự hiện nay đều coi không gian mạng là một môi trường tác chiến cơ bản. Hầu hết các quốc gia đều thành lập các đơn vị tác chiến mạng nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống của mình đồng thời tấn công vào hệ thống của đối phương.
Nhưng một phương thức tấn công khác không kém phần hiệu quả là sử dụng các mạng xã hội. Việc thu thập thông tin trên các mạng xã hội đã được tình báo các nước triển khai từ rất lâu nhưng dùng nó như một vũ khí tấn công thì chỉ mới xuất hiện gần đây. Có thể coi cuộc chiến ở Ukraine hiện nay là sự thể hiện rõ nét nhất của loại hình vũ khí mới mẻ này đặc biệt là dấu ấn của nó trong vụ MH17.
Vai trò của mạng xã hội trong vụ MH17
Trước hết chúng ta hãy lần theo nhân vật bí ẩn Carlos với tài khoản Twitter bằng tiếng Tây Ban Nha. Carlos tự nhận là một nhân viên điều khiển không lưu người Tây Ban Nha làm việc tại Kiev đúng thời điểm xảy ra thảm họa. Với "lý lịch" như vậy hẳn nhiên nhiều người sẽ tin rằng những thông tin mà nhân vật này đưa ra sẽ có nhiều điều bất ngờ.
Theo thông tin từ tài khoản này thì ngay trước khi bị rơi, chiếc Boeing đã bị 2 chiến đấu cơ của Ukraine áp sát. Sau đó, Carlos tiếp tục cập nhật nhiều dòng chia sẻ khác, cho thấy chính phủ Ukraine đang tìm cách kiểm soát và tịch thu thông tin từ đài kiểm soát không lưu nơi anh ta đang làm việc.
Tài khoản này cũng tiết lộ về việc đã có bất đồng giữa các phe phái trong chính quyền Ukraine, giữa an ninh với quân đội và ám chỉ vụ rơi MH17 là một âm mưu của phái cực đoan trong chính quyền nước này mà cụ thể là Bộ trưởng Nội vụ.
Tài khoản của "người bí ẩn" Carlos với những chi tiết gây chấn động
Thông tin từ tài khoản Twitter mang tên Carlos nhanh chóng được lan truyền, đặc biệt là trên các cơ quan truyền thông của Nga như Russia Today, Rossiya 24, Zvezda, Komsomolskaya Pravda…Tuy nhiên không lâu sau đó, tài khoản Twitter của Carlos đột ngột biến mất, và người ta bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của nhân vật này.
Spain Report, một tờ báo tiếng Anh có trụ sở tại Tây Ban Nha, đã liên lạc với đại sứ quán nước này tại Kiev và được xác nhận rằng họ không biết về bất kì người Tây Ban Nha nào tên Carlos tại Ukraine. Không ai trong cộng đồng khá nhỏ người Tây Ban Nha tại đây biết đến sự tồn tại của anh ta. Sân bay nơi mà Carlos nói rằng mình đã làm việc được vài năm cũng cho biết tất cả nhân viên kiểm soát không lưu đều là người Ukraine, họ chưa bao giờ tuyển người Tây Ban Nha hay bất kì người nước ngoài nào làm công việc này.
Tờ Foreign Policy cho hay, các phóng viên Ukraine và phương Tây đã tố cáo tài khoản Twitter của nhân vật này là giả mạo.
Chừng ấy thông tin khiến chúng ta có thể đặt nhiều nghi vấn về sự tồn tại của nhân vật này và mức độ chính xác cũng như mục đích thực sự của những dòng chia sẻ trên tài khoản Twitter.
Ở chiều ngược lại, cũng rất nhiều thông tin gây bất lợi cho Nga và phe ly khai có xuất phát từ mạng xã hội.
Bằng chứng đầu tiên mà Mỹ và Ukraine đưa ra là các tin nhắn của các phần tử ly khai đã khoe khoang trên Twitter việc bắn rơi máy bay và sau khi máy bay bị rơi được xác nhận là một máy bay dân dụng thì quân nổi dậy đã xóa những dòng đăng tải trên mạng xã hội mà họ khoe khoang về việc bắn hạ được một máy bay và về việc sở hữu tên lửa đất đối không Buk (SA-11).
Tài khoản mạng xã hội VK.com của người được cho là “bộ trưởng quốc phòng” tự phong của Donetsk Igor Strelkov đăng đoạn video khoe khoang chiến tích bắn tên lửa phá hủy một máy bay vận tải AN-26 của quân đội Ukraine ở thời điểm và vị trí máy bay Boeing MAS rơi. “Chúng tao đã cảnh báo rồi, đừng có bay trên bầu trời của chúng tao” - Strelkov viết trên VK. Ngay sau khi có tin máy bay rơi là chiếc Boeing của MAS, đoạn video và thông điệp trên lập tức bị xóa khỏi trang VK.
Vào ngày 29/6, trên trang mạng xã hội Twitter, các tay súng ly khai cũng khoe đã chiếm được một số hệ thống tên lửa đất đối không Buk của quân đội Ukraine. Sau đó các thông tin này cũng lần lượt bị xóa đi.
Tài khoản mạng xã hội được cho là của một thủ lĩnh phe ly khai Igor Strelkov
Một bằng chứng tiếp tục được tung ra là đoạn video được cho là phe ly khai đang chuyển các hệ thống tên lửa Buk về phía Nga ngay sau khi máy bay rơi được đăng tải trên Youtube.
Thêm một đoạn video thứ hai được cho là quay tại Nga bằng camera hành trình trên xe. Một lái xe tại Nga đã ghi lại được hình ảnh một xe tải quân sự chở thiết bị được cho là tên lửa Buk của Nga gần khu vực biên giới Nga – Ukraine. Đoạn clip đi kèm chú thích: “Một người viết blog tại Nga đã quay phim được tên lửa BUK M1 tại Nga, thủ phạm bắn hạ chiếc Boeing”.
Nhưng phía Nga tuyên bố nhiều chi tiết cho rằng video đã bị làm giả.
Gần đây trang mạng xã hội Twitter đăng tải bức ảnh binh sĩ Tự vệ miền đông Ukraine lấy gấu bông từ nạn nhân MH17 được cho là hành động “hôi của” “tàn nhẫn”. “Một người nổi dậy cầm món đồ chơi như một chiến lợi phẩm. Ông Putin, ông có tự hào về những người đồng bào của mình không?” một người dùng Twitter có tên John Gosling viết.
Tuy nhiên xuất hiện video hoàn chỉnh lại cho thấy binh sỹ này lại đang tỏ lòng kính trọng với người đã khuất. Ở đây liệu có nên nghi vấn về mục đích của việc đăng tải trên Twitter với nội dung sai lệch như vậy hay không?
Không chỉ có các tài khoản của các nhân vật manh tính “nhân dân”, nhiều tài khoản của các quan chức cũng liên tục đưa ra những dòng trạng thái thay cho lời phát biểu.
Trên trang Facebook cá nhân, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov khẳng định hệ thống xuất hiện trong video được Nga cho là giả mạo chính là hệ thống tên lửa đã bắn rơi máy bay MH17.
Về nạn hôi của Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, gay gắt thông báo trên mạng xã hội Facebook: “Những kẻ săn người chết thu thập tiền bạc, trang sức và thẻ tín dụng của các hành khách. Tôi đề nghị thân nhân những người gặp nạn khóa thẻ tín dụng để tránh thất thoát tài sản vào tay bọn khủng bố”.
Vụ thảm kịch MH17 thậm chí đã gây ra một cuộc chiến tranh giữa các Đại sứ Nga và Ba Lan ở Bắc Kinh trên trang Sina Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc với hàng vạn lượt chia sẻ.
Rõ ràng trong vụ MH17, các mạng xã hội đã được các bên sử dụng như một thứ vũ khí quan trọng. Vậy điều gì làm nên hiệu quả của thứ vũ khí mới mẻ này?
Sức mạnh của mạng xã hội trong chiến tranh ngày nay
Như bất kỳ một cuộc chiến tranh nào bên cạnh cuộc chiến đơn thuần về quân sự, không thể thiếu cuộc chiến về truyền thông. Trước đây cuộc chiến truyền thông sử dụng các loại báo in, đài phát thanh, truyền hình làm công cụ thì bây giờ với mức độ phổ cập, lan truyền gần như tức thời của nó, mạng internet được xem là không gian chính của cuộc chiến truyền thông.
So với các báo chí điện tử thì các mạng xã hội còn có sức lan tỏa rất lớn. Trước hết là lượng người dùng rất đông đảo lên đến hàng tỷ người. Đi kèm là các tính năng chia sẻ, thể hiện thái độ đối với thông tin khiến những thông tin đó lan đi với tốc độ gần như tức thì.
Các mạng xã hội với hàng tỷ người dùng là nơi được các bên tận dụng trong cuộc chiến truyền thông
Với các báo chí điện tử việc đăng tải thông tin cần phải chọn lọc, thể hiện sự khách quan, có nguồn tin rõ ràng nếu qui chụp sẽ khiến người đọc dần dần thiếu tin tưởng. Ngược lại các mạng xã hội được tạo ra theo nguyên tắc thể hiện quan điểm của người dùng vì đó mọi thông tin đưa lên mạng xã hội không bị kiểm duyệt và được đăng ngay lập tức.
Chưa kể mạng xã hội còn tạo ra được "tính khách quan giả tạo". Để lý giải điều này chúng ta tưởng tượng nếu đọc một tờ báo của Mỹ đăng các thông tin bất lợi cho Nga chẳng hạn, ít nhiều chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi về tính khách quan ở đây. Tuy nhiên nếu nó được đăng bởi một tài khoản mạng xã hội của một người Nga chẳng hạn thì tự nhiên rất nhiều người tin đó là sự thật. Tất nhiên những hồ sơ cá nhân của các tài khoản chưa chắc đã là chính xác.
Mặc dù không phải tất cả 100% người đọc đều tin những gì trên mạng xã hội là thật nhưng chỉ cần một lượng nhỏ trong đó tin đó là sự thật cũng gọi là một thành công.
Trong cuộc khủng hoảng lần trước ở Syria hay mới nhất là vấn đề Crimea, vai trò của mạng xã hội đã hình thành nhưng chưa thật rõ nét. Chỉ đến khi vụ nổ máy bay MH17 xảy ra thì thực sự mạng xã hội mới bùng nổ. Việc dùng mạng xã hội để làm mất uy tín của đối phương, chĩa mũi dùi dư luận vào đối phương thực sự là một phương thức mới, nhưng rất nguy hiểm.
Chiến tranh trong thời đại thế giới phẳng này mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí và mạng xã hội trong tương lai sẽ là vũ khí hết sức hiệu quả của cuộc chiến truyền thông.