Thông tin trên được Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ tiết lộ hôm 22/2, căn cứ vào phân tích các ảnh chụp vệ tinh.
Các hình ảnh do DigitalGlobe cung cấp cho thấy một cột lớn cao khoảng 20 m xuất hiện trên đá Châu Viên.
Greg Poling, người đứng đầu Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS nói với trang USNI News (Mỹ), rằng thiết bị này rất có khả năng là một radar hàng hải tần số cao.
Ông Poling viết trong email gửi tờ Washington Post: "Nếu đây là một radar tần số cao thì nó sẽ làm tăng khả năng kiểm soát tàu bè và máy bay ở biển Đông.
Đá Châu Viên là địa điểm phù hợp nhất để đặt thiết bị như vậy do nằm ở vị trí cực nam trong số các đảo, đá mà Bắc Kinh cải tạo (phi pháp-PV) thuộc quần đảo Trường Sa..."
"[Radar] đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận mà Trung Quốc theo đuổi, nhằm làm giảm khả năng hoạt động tự do của Mỹ trên biển Đông, bao gồm việc điều động lực lượng từ biển Đông nếu xảy ra khủng hoảng trong tương lai ở Đông Bắc Á."
Ảnh vệ tinh chụp đá Châu Viên mới đây do CSIS đăng tải
Bryan Clark, chuyên gia phân tích của Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược (CSBA), Mỹ, cho biết hệ thống radar trên có thể bị Trung Quốc sử dụng vào mục đích truy tìm các máy bay tàng hình ở biển Đông.
Theo ông Clark, radar tần số cao đời mới của Trung Quốc có thể xác định các máy bay mà những hệ thống đời cũ hơn không làm được.
Đá Châu Viên nằm trong cụm Trường Sa của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng, đưa quân đội lên đồn trú trái phép.
Theo báo chí Trung Quốc, đá Châu Viên có tác dụng như một "bốt tiền tiêu" bảo vệ đá Chữ Thập, cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam bị nước này chiếm phi pháp.
Hoạt động hút cát, bồi lấp đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành trái phép ở đá Châu Viên bắt đầu vào khoảng tháng 1/2014 và hoàn thành nhanh chóng vào mùa thu cùng năm.
Hồi tuần trước, Trung Quốc cũng bị truyền thông Mỹ phát hiện bố trí trái phép các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 và radar trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối việc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền ở Hoàng Sa, đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc.