Bốn năm trước, ông Erdogan - khi đó đang Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, đã tuyên bố rằng, chỉ trong vài tuần, chính quyền của Tổng thống Assad sẽ sụp đổ. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cũng từng đưa ra dự đoán tương tự.
Đó là thời điểm đầu năm 2012, khi không có máy bay Nga trên bầu trời, cũng không có lính Iran hiện diện trên bộ ở Syria, Assad chỉ có 1 mình.
Lịch sử đã chứng minh những dự đoán trên là sai.
Sau 5 năm nội chiến dai dẳng, nhiều chiến dịch của phe nổi dậy lẫn tác động từ phương Tây, ông Assad vẫn đang tiếp tục lãnh đạo đất nước. Thậm chí, mới đây ông này còn tuyên bố muốn tiếp tục làm Tổng thống, bảo vệ Syria thêm 10 năm nữa.
Kamal Alam là học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) và là nhà phân tích quân sự Syria.
Trong bài viết lý giải vì sao Assad chưa bị đánh bại, học giả Kamal Alam đã nhắc tới nhận định trái chiều của Henry Kissinger và Zbignew Brzezinski, 2 nghị sĩ Mỹ dày dặn kinh nghiệm và có ảnh hưởng nhất về vấn đề Trung Đông kể từ sau Thế chiến II
Đó là: Tổng thống Syria Assad có được nhiều sự ủng hộ hơn tất cả các nhóm đối lập cộng lại.
Việc Ả Rập Xê-Út và Qatar, với sự hậu thuẫn của Mỹ, từng tìm cách hối lộ để một số thân tín nhất của Assad đào tẩu chẳng phải là bí mật gì.
Tuy nhiên, tất cả các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp, đảm trách vị trí quan trọng trong lực lượng Quân đội Syria Ả Rập (SAA) của Assad, đều hoàn toàn trung thành.
Khi cuộc chiến ở Syria bắt đầu nổ ra, hàng nghìn người đã đào ngũ, nhưng đó chỉ là thành phần lính nghĩa vụ chưa từng bao giờ muốn phục vụ trong quân đội, và ngay cả trong thời bình cũng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để không phải đứng trong hàng ngũ này.
Trong khi đó, giới sĩ quan, cốt lõi của quân đội, vẫn rất mạnh mẽ và đa dạng về tôn giáo - đó là điều giúp Assad giữ được "ngôi vương" cho tới nay.
Chính quyền người Shiite, quân đội người Sunni
Quân đội Syria vẫn tồn tại suốt 5 năm, bất chấp căng thẳng, xung đột. Quân số của họ có giảm sút, song, theo học giả Alam, "đó là vấn đề bình thường đối với bất cứ đội quân nào thời chiến".
Đáng chú ý, cốt lõi của lực lượng này lại là người Sunni.
Có người sẽ ngạc nhiên về điều này, bởi chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là người theo Hồi giáo Shiite, trong khi đó, mâu thuẫn sắc tộc được cho là nguyên nhân chính dẫn tới nội chiến kéo dài như ngày nay ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của Syria, ông Fahd al-Freij, một trong những sĩ quan ưu tú nhất trong lịch sử quân sự Syria, xuất thân từ vùng đất Hama - vùng đất của người Sunni.
Người tiền nhiệm của ông này là Hassan Turkmani hay cố Tham mưu trưởng quân đội Syria Hikmat Shehabi dưới thời Bashar al-Assad cũng theo dòng Sunni.
Hai quan chức tình báo quyền uy nhất Syria là Ali Mamlouk và Mohammad Dib Zaitoun - xuất thân gia đình người Sunni có nhiều ảnh hưởng, vẫn đang trung thành với Assad.
Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahd al-Freij thảo luận với ông Assad.
Thiếu tướng Ramadan Mahmoud Ramadan, chỉ huy trưởng Lữ đoàn Đặc nhiệm thứ 35 chịu trách nhiệm bảo vệ tây Damascus hay Chuẩn tướng Jihad Mohamed Sultan, chỉ huy trưởng Lữ đoàn 65 bảo vệ Latakia đều là người Sunni.
Trước đó, cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad, người đã xây dựng nên SAA, cũng từng bổ nhiệm nhiều nhân vật theo dòng Hồi giáo Sunni vào các vị trí cấp cao trong quân đội.
Kể từ năm 1973, tại các tiểu đoàn xe tăng chiến lược của Lữ đoàn Vũ trang 70 đóng gần al-Kiswah và Damascus, đều được bổ nhiệm theo cùng 1 "công thức": binh sĩ người Alawis phục vụ dưới quyền chỉ huy người Sunni.
Ở Syria, sau năm 2000, các vị trí trong quân đội và lực lượng phòng vệ dân sự ở Syria, từ cấp Chuẩn tướng trở lên, đều là người Sunni.
Thêm vào đó, SAA cũng là đội quân Ả Rập duy nhất có tướng lĩnh là người Ki-tô giáo.
Người Mỹ không phải lúc nào cũng hơn Assad
Từ những năm 1970 - 1990, SAA đã thực hiện nhiệm vụ ổn định tình hình ở Lebanon.
Trong suốt khoảng thời gian đó, họ đã vượt trội cả Lực lượng phòng vệ Israel IDF và Thủy quân Lục chiến Mỹ bằng cách hỗ trợ cho nhiều lực lượng ủy nhiệm khác nhau ở Lebanon.
Ở Iraq thời kỳ hậu Saddam, người Mỹ không bao giờ có thể hiểu tình báo quân đội Syria đã hỗ trợ cho các nhân tố nào trong lực lượng nổi dậy của cả người Sunni và Shiite.
Điều đó có được phần lớn là nhờ hoạt động bí mật của những điệp viên Iraq được quân đội Syria hậu thuẫn từ cuộc nội chiến ở Lebanon.
Trong khi đó, theo ông Alam, lực lượng đối lập ôn hòa Syria chỉ xuất hiện trong những bộ đồ là lượt tại hành lang các khách sạn ở phương Tây. Họ có rất ít nhận sự ủng hộ trên bộ.
“Nếu bạn muốn hỏi vì sao Assad vẫn là Tổng thống Syria, thì câu trả lời không đơn giản là nhờ Nga hay Iran, mà thực tế là quân đội của ông ta vẫn rất kiên cường và đa dạng.
Điều đó chứng minh rằng ở Syria, chỉ tôn giáo không thôi thì chưa đủ để quyết định ai sẽ là người đứng đầu.
Quân đội Syria cũng là một thách thức đối với sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố - đó là lý do vì sao 3 tướng lĩnh hàng đầu nước Anh trong suốt 5 năm qua đã công khai kêu gọi thừa nhận SAA là lực lượng duy nhất có thể đánh bại IS và al-Qaeda”.