Các thỏa thuận được ký bao gồm xuất khẩu và đóng tàu.
Trung Quốc cũng bày tỏ quan tâm đến việc mua đường sắt và xây dựng một sân bay ở đảo Crete.
Trung Quốc muốn có cổ phần đa số tại cảng Piraeus. Một công ty Trung Quốc đã vận hành hai cầu tàu tại cảng này.
Hy Lạp muốn thu hút đầu tư nước ngoài để giảm thiểu nợ quốc gia và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ông Lý Khắc Cường tới Hy Lạp trong một phần chuyến công du các nước châu Âu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013.
"Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng của lợi thế địa lý duy nhất của Hy Lạp là một cửa ngõ vào châu Âu", một tuyên bố trước đó của hai nước nói.
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras nói Trung Quốc quan tâm đến các phi trường của Hy Lạp, và ông hy vọng nước này có thể "trở thành một trung tâm trung chuyển cho vận tải hàng không."
Thủ tướng Trung Quốc mô tả cảng Piraeus như "một viên ngọc ở Địa Trung Hải" và nói cảng biển này có thể trở thành "một trong những cảng cạnh tranh nhất của thế giới."
Công ty vận chuyển quốc doanh của Trung Quốc, Cosco, giành được một hợp đồng thuê 35 năm để mở rộng hai cảng container chính tại cảng trong năm 2008.
Nó cũng muốn đầu tư 310 triệu USD để mở rộng cảng, trong một thỏa thuận cần có sự phê chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).
Các thỏa thuận mới nhất được cho là cùng có lợi cho cả đôi bên với Hy Lạp đang rất cần huy động vốn và Trung Quốc muốn có một cửa ngõ vào châu Âu với mức giá mà nước này thích, theo phóng viên Mark Lowen của BBC tường trình từ Athens.
Tuy nhiên, không phải tất cả người dân Hy Lạp đều vui mừng.
Phe đối lập nói rằng chính phủ đang có những cuộc mua bán với Trung Quốc ‘với giá rẻ mạt’, phóng viên của BBC nói thêm.