"Chúng tôi ra hiện trường là để xác nhận thông tin từ những hình ảnh mà Việt Nam đưa ra về việc Trung Quốc đã hung hăng, phun vòi rồng hay đâm va ở khu vực tọa độ như vậy, quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981". Đó là ghi nhận của ông Trần Huy Công, đại diện hãng sản xuất truyền hình Nhật Bản NDN tại Việt Nam về chuyến đi Hoàng Sa cuối tháng 5 vừa rồi.
Ông Trần Huy Công cho biết cùng đi với NDN có 5 hãng thông tấn nước ngoài khác, gồm CNN và Việt Weekly (Mỹ); Fuji TV, Yomiuri Shimbun, Ashahi Shimbun (Nhật Bản) và rất đông phóng viên trong nước.
Ông Công chia sẻ: Sau thời gian ở trên tàu, khi trở về, tôi vội vàng biên tập được 11 file, mỗi file 5 phút. Các đài lao đến mua hình ảnh, gồm có NHK, Asahi TV, Tokyo TV, TBS, hay NTV. Ông Tổng Giám đốc NDN Misao Ishigaki đã rất sung sướng gọi cho tôi, nói rằng: "Năm nay, anh đã làm được một việc rất quan trọng và từ nay đến hết năm có thể nghỉ đi chơi luôn được".
Phần lớn hình ảnh quay được gồm hai nội dung chính: Thứ nhất là tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam thực thi pháp luật và các tàu của Trung Quốc ra ngăn cản; thứ hai là cảnh sinh hoạt của cán bộ và chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu.
Đơn vị thực thi pháp luật của Việt Nam gồm có tàu 4032 thuộc lực lượng Cảnh sát biển và 3 tàu Kiểm ngư. Còn phía Trung Quốc thường có ít nhất là 8 tàu, cứ trung bình 1 tàu Việt Nam thì có 3-4 tàu Trung Quốc bao vây. Khi tàu Việt Nam tiến gần vào giàn khoan, tàu Trung Quốc ra cản trở, cánh phóng viên lao ra quay phim thì phía Trung Quốc biết và cư xử rất thủ đoạn.
Chẳng hạn, có một lần khi các tàu Trung Quốc bao vây các tàu kiểm ngư Việt Nam, 1 tàu kiểm ngư bị chết máy không chạy được. Trung Quốc cho 1 tàu chèn, che lấp chiếc tàu bị chết máy đối với những máy quay trên tàu của chúng tôi. Thế rồi 1 tàu Trung Quốc khác phun vòi rồng sang tàu Việt Nam và nếu ai không theo dõi từ đầu đến cuối sẽ nghĩ rằng tàu Trung Quốc phun vòi rồng sang tàu Trung Quốc, như để rửa tàu. Nhưng chúng tôi có hình ảnh đầy đủ từ đầu nên khán giả Nhật sẽ biết rất rõ là tàu Trung Quốc phun vòi rồng sang tàu Việt Nam.
Hay cảnh quay tàu Trung Quốc đuổi tàu Việt Nam. Bên Trung Quốc chia tàu ra, tàu mạn trái, tàu mạn phải, tàu ở đuôi và tàu ở đằng mũi, bao vây tàu Việt Nam. Hoặc Trung Quốc cho tàu tăng tốc, chạy cắt ngang mũi tàu Việt Nam, để tàu Việt Nam va chạm tàu Trung Quốc và họ ghi lại hình ảnh để tố cáo Việt Nam.
Tôi nghĩ việc Việt Nam cho phép phóng viên quốc tế ra thực địa là rất đúng đắn. Điều quan trọng nhất ra hiện trường không phải là quay cảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng, hay đâm va vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, bởi khi biết có phóng viên quốc tế trên tàu, Trung Quốc sẽ tìm cách tránh không hành động như vậy.
Chúng tôi ra hiện trường là để xác nhận thông tin về những hình ảnh mà Việt Nam đưa ra trong buổi họp báo ngày 7/5 về việc Trung Quốc đã hung hăng, phun vòi rồng, hay đâm va ở khu vực tọa độ như vậy, quanh khu vực giàn khoan.
Nếu đúng ở tọa độ như vậy có giàn khoan, có tàu Trung Quốc, thì những hình ảnh của Việt Nam đã đưa ra hôm họp báo là đúng sự thật.
Hay về thái độ hung hăng của Trung Quốc, chúng tôi quay được hình ảnh họ đuổi tàu Việt Nam, chạy cắt ngang mũi, hoặc hình ảnh những ụ súng trên tàu Trung Quốc được tháo lớp vải bọc, hoặc hình ảnh lính Trung Quốc ôm sẵn vòi rồng, mặc dù chưa phun nước”.
Cách đây đúng 50 năm, NDN là hãng sản xuất truyền hình phương Tây đầu tiên đặt văn phòng tại Hà Nội để chuẩn bị cho việc tường thuật sự chống trả của miền Bắc đối với cuộc không kích kéo dài 8 năm của Mỹ.
Xem thêm Video:
Tàu Hải cảnh Trung Quốc hung hăng rượt đuổi tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Nguồn: VTV
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA