Mỹ có vì mải lo Iraq mà bỏ quên châu Á?

Thậm chí trong những ngày "đen tối" của cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, Mỹ cũng chưa bao giờ bỏ rơi châu Á.

Mỹ có thể can thiệp vào cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn ở Iraq mà không quên kế hoạch chuyển hướng dài hạn sang châu Á, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á, ông Daniel Russel, cho biết.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Straits Times hôm 20/6, ông Russel, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng Mỹ đã chứng tỏ từ trước tới giờ rằng chính sách của nước này không phải là một trò chơi "một mất một còn" và Mỹ có thể cùng lúc giải quyết các vấn đề trên nhiều mặt trận khác nhau.

"Chúng tôi không có thói quen tập trung vào một chủ đề rồi loại trừ đi chủ đề khác", ông nói.

"Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng cần làm rõ giữa việc đầu tư dài hạn liên tục mà Mỹ đang làm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sự cần thiết phải giải quyết những cuộc khủng hoảng, những thách thức mà Mỹ, phương Tây đang phải đương đầu, trên cơ sở ngắn hạn".

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nói thêm rằng, thậm chí trong những ngày "đen tối" của cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, Mỹ cũng chưa bao giờ bỏ rơi châu Á.

Phát biểu trước báo giới ngày 29/5 trên đường tới Singapore dự Đối thoại Shangri-la, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng cam kết của Mỹ với châu Á mạnh hơn bao giờ hết.

Hôm 1/6, tại Đối thoại Shangri-la, trong bài phát biểu liên quan tới tầm nhìn về an ninh khu vực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, quân đội Mỹ sẽ điều thêm binh lực không quân, lục quân và vũ khí tối tân đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc triển khai sự tái cân bằng chiến lược.

Ông Hagel khẳng định, Mỹ hoàn toàn có thể tiếp tục chiến dịch chuyển trọng tâm đến châu Á bất chấp việc cắt giảm ngân sách.

Trong bài phát biểu này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra ra một số vấn đề an ninh gai góc nhất của khu vực, bao gồm cả nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ trên các vùng biển xung quanh Trung Quốc và những hoạt động tiêu cực trong không gian và không gian mạng.

Tiếp đó, trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Myanmar hôm 10/6, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Russel một lần nữa khẳng định chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương mang lại lợi ích cho các nước trong khu vực.

Quan điểm này đã được Tổng thống Barack Obama truyền đạt trong bài phát biểu tại trường võ bị West Point (New York) ngày 28/5.

"Nếu chúng ta không có phản ứng thích hợp thì những hành động hung hăng tại các khu vực, ở nam Ukraine, biển Đông hay bất cứ nơi nào khác sẽ ảnh hưởng đến đồng minh của chúng ta và khiến quân đội phải vào cuộc", ông Obama nói.

Ông Russel nhấn mạnh rằng, bài phát biểu của Tổng thống Obama không nhằm đề cập đến một viễn cảnh hay tình huống cụ thể nào.

"Cam kết của chúng tôi là không gây ra chiến tranh để ngăn ngừa chiến tranh. Trong thế kỷ 21, không có lý do gì mà một tranh chấp không thể giải quyết bằng phương thức hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế", Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Và theo đó, đối với tình hình căng thẳng chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt ngoài biển Đông, theo ông Russel, Mỹ sẽ tiếp tục "thẳng thắn và kịch liệt lên án những hành vi cưỡng bức hay đe dọa vốn đang đẩy hiện trạng trên biển Đông đi quá xa".

Mặc dù Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, song ông Russel lưu ý rằng, Việt Nam từ lâu đã tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, Việt Nam lâu nay đã thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực mà Việt Nam chính thức tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế tính từ đất liền.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại